(Mặt trận) -Trải qua những ngày gian khó, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc, diện mạo khu vực miền núi, vùng cao đang từng ngày khởi sắc. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Những ngày gian khó…
Yên Sơn là xã xa nhất của huyện Thanh Sơn, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình. Trên địa bàn xã có ba dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Dao chiếm khoảng 15%, tập trung ở các khu: Chen, Chự, Hồ. Sau gần một giờ đồng hồ men theo những con đường uốn lượn trên những sườn đồi xanh ngát của núi rừng, liên tiếp những khúc cua tay áo, chúng tôi cũng đến được nơi có những nếp nhà của đồng bào Dao tựa lưng vào núi. Đã hẹn từ trước, ông Bàn Văn Mừng - Trưởng khu Chự vui mừng tiếp đón chúng tôi đến thăm nhà. Bên tách trà nóng hòa quyện hương thơm của núi rừng, những câu chuyện như “truyền thuyết” về thuở đầy gian khó của đồng bào nơi đây được tái hiện theo mạch kể đầy cảm xúc của ông.
|
Những cuốn sách cổ Nôm Dao được các thế hệ người Dao Tiền ở khu Chự (xã Yên Sơn) gìn giữ, góp phần phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. |
Trước kia, xã Yên Sơn thuộc vùng “tam yên”, gồm các xã: Yên Lương, Yên Lãng, Yên Sơn. Người Dao ở đây chủ yếu sống du canh du cư trên các sườn núi, phát nương làm rẫy, cuộc sống thiếu thốn, bốn mùa ăn cháo, ngô, rau rừng. Đến năm 1968, được tuyên truyền các chủ trương của Đảng, sự vận động của cán bộ, bà con quyết định rời rừng Ba Chi, suối Hẹp để hạ sơn về các khu Hồ, Chự, Chen dựng nhà, lập bản sinh sống. Trải qua bao đời, từ khi lác đác chỉ có vài hộ sinh sống, đến nay khu ba khu Chen, Chự, Hồ đã có 173 hộ với 810 nhân khẩu.
Những ngày đầu định cư, phương thức làm ăn, tập tục sinh hoạt của người dân chưa thay đổi. Phần vì đi lại khó khăn, lại không có vốn nên người dân cũng không thiết tha làm kinh tế. Cuộc sống vì thế mà bữa no, bữa đói, nhiều người dân không có sinh kế, trông vào từng bữa lên rừng bẻ măng, chặt củi, làm rẫy. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì nói gì đến việc học con chữ. Trẻ em không được đến trường mà ở nhà phụ giúp bố mẹ lao động.
Cũng giống như các bản vùng cao ở Yên Sơn, khu vực sáu khe gồm sáu bản động: Đồng Măng, Gầy, Bóp, Nhồi, Thành Xuân, Bằng của xã Trung Sơn, huyện Yên Lập vốn là một trong những khu vực miền núi xa xôi, hiểm trở, nghèo khó và thiếu thốn nhất của tỉnh nhiều năm về trước. Nằm chênh vênh trên sườn núi Đát Hóp, Khe Nhồi là bản sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mông. Vào những năm 1995, vùng đất hoang vu này mới chỉ có một vài hộ dân đầu tiên đến sinh sống, đến nay khu đã có 96 hộ dân người Mông, Dao, Mường với hơn 450 nhân khẩu. Trước đây, với cách làm rẫy không có quy hoạch, không ứng dụng khoa học kỹ thuật nên đất của Khe Nhồi nhanh chóng bạc mầu.
Quỹ đất và chất lượng đất giảm cũng là lúc cái nghèo khó tìm đến với người dân nơi đây. Có năm tỷ lệ hộ nghèo và đứt bữa lên đến 100%. Mặc dù người dân cũng đã cố gắng bám đất, bám rừng nhưng đường vào bản khó khăn lại cách xa trung tâm xã, huyện nên thương lái cũng không mặn mà vào thu mua, giá thành nông, lâm sản rất thấp. Không chỉ đầu ra nông sản gặp khó khăn mà đầu vào vật tư nông nghiệp phải mua với giá cao do tính công vận chuyển. Kinh tế khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu kéo theo đời sống văn hóa, tinh thần cũng còn nhiều thiếu thốn, hạn chế. Nhiều hủ tục vẫn còn hiện hữu gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào vùng cao.
Quyết tâm tạo chuyển biến
Năm 2009, Chi bộ Chen Chự Hồ (xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn) được tách riêng thành các chi bộ: Bản Chen, bản Chự và bản Hồ, mỗi chi bộ chỉ có năm đảng viên. Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên trong thanh niên dân tộc thiểu số, chú trọng phát triển đảng viên người sở tại. Nhờ đó, đến nay, chi bộ Hồ có sáu đảng viên, chi bộ Chen có bảy đảng viên và chi bộ Chự có chín đảng viên. Các đảng viên luôn sâu sát với cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nhằm loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, làm nên sự thay da đổi thịt của bản làng vùng cao.
Đồng chí Đinh Mạnh Hà - Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn cho biết: “Đời sống của bà con ở ba khu vùng cao nhất của xã còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các chi bộ Đảng là tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp sống, cách làm, tư duy của người dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó giúp đồng bào một lòng tin theo Đảng. Nhất quán phương châm “Đảng viên gương mẫu, quần chúng noi theo”, mỗi chi bộ mạnh sẽ như một ngọn đuốc, dẫn lối cho việc triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương một cách hiệu quả, thiết thực”.
Để người dân xã Yên Sơn vượt khó thoát nghèo mà đặc biệt là những khu dân cư vùng cao, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều chủ trương, chương trình hỗ trợ cho người dân về vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, nhiều gia đình đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế. Bên cạnh phát triển kinh tế đồi rừng, ở các bản Chen, Chự, Hồ đã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu cao, giúp bà con thoát khỏi đói nghèo với những vật nuôi, cây giống mới như: Nuôi dê, trồng khoai tầng, chè, trồng rừng… Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, chi bộ ba bản Chen, Chự, Hồ đã chủ động xây dựng kế hoạch, nghị quyết, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 là tập trung phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiềm năng của địa phương.
Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chi bộ các khu phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên và đoàn thể, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp thâm canh tăng vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ nông nghiệp đáp ứng nhu cầu về giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất. Mở rộng quy mô, diện tích cây công nghiệp có hiệu quả cao, giảm diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả.
|
Đồng chí Lê Văn Sơn - Bí thư chi bộ khu Chự (xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn) hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng keo và chăm sóc rừng đúng quy trình, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt. |
Cùng với việc hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chính quyền xã và khu còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hủ tục, quan điểm sản xuất. Cùng với đó, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp và “cánh tay nối dài” của NHCSXH là Tổ tiết kiệm vay vốn để hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Đường về các hộ trên địa bàn xã Yên Sơn đã được đổ bê tông không còn cảnh lầy lội như xưa. Hai bên cỏ voi xanh mướt được trồng làm thức ăn cho gia súc. Thấp thoáng những mái nhà với những dây phơi áo váy sặc sỡ, trong sân là những chiếc xe máy cùng với các loại máy móc cơ khí nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Những nếp nhà lá, nhà tạm cũng đã giảm đi nhiều, thay vào đó là những ngôi nhà được xây dựng khang trang như khẳng định sự đổi thay của vùng đất khó. Đặc biệt, đầu năm 2018, người dân xã Yên Sơn vui mừng đón nguồn điện lưới Quốc gia. Có điện lưới, người dân được tiếp cận nhiều kiến thức thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, từ đó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 20 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện đời sống. Đa số con em trong độ tuổi đều được đến trường, được chăm sóc y tế, nhiều hộ đã thoát nghèo... Bày tỏ niềm tin với Đảng, ông Đặng Văn Sinh - khu Hồ phấn khởi: “Từ sự vận động, tuyên truyền của các đảng viên trong chi bộ, gia đình tôi đã tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế đồi rừng, mang lại thu nhập ổn định, giờ tôi đã có thể nuôi các con học. Không chỉ gia đình mình khấm khá lên mà nhìn xung quanh bản làng nhà nhà cũng dần ấm no”.
Huyền Nga - Ninh Giang