Phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm vực dậy và từng bước phát triển địa bàn khó khăn này.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Gắn với mục tiêu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người, trên 3,3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả đã giúp nâng cao đời sống của người đồng bào dân tộc

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Cụ thể, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% tổng số hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng...

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, giai đoạn I được triển khai từ năm 2021 - 2025 (Chương trình).

Với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung và 158 hoạt động, Chương trình bao quát hầu hết các ngành, lĩnh vực trong đó mỗi dự án, tiểu dự án, nội dung, hoạt động đều gắn liền với mục tiêu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, về vấn đề Quy hoạch (Tiêu chí số 1), nhiệm vụ quy hoạch trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được đưa vào nội dung của Chương trình, trong đó tập trung vào 02 nội dung có liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch trên địa bàn: Sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Dự án 2; Quy hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và vùng dược liệu thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3.

Về hạ tầng kinh tế - xã hội (Tiêu chí số 2 - 9), nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội là một nhiệm vụ cơ bản và trong tâm của Chương trình nhằm cải thiện rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân như: Hỗ trợ đất ở và nhà ở thuộc Dự án 1; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh thuộc Tiểu dự án 1 Dự án 4 và Tiểu dự án 1 Dự án 9; hỗ trợ xây dựng, duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10…

Xóa khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân giữa miền núi và đồng bằng

Về kinh tế và tổ chức sản xuất (Tiêu chí 10 - 13), đi đôi với nhiệm vụ nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nhiệm vụ ổn định tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào cũng được chú trọng và đưa vào nội dung của Chương trình.

Điểm mới trong hoạt động tổ chức sản xuất của Chương trình chính là thay vì hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ có điều kiện cho đồng bào, Chương trình tập trung chủ yếu đến việc nghiên cứu và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập vùng nguyên liệu nhằm khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững; đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (Tiểu dự án 2 Dự án 3).

Đồng thời, với mục tiêu nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu lao động, Chương trình cũng đưa nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Tiểu dự án 3, Dự án 5) để đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế phi nông nghiệp,

Về văn hóa - xã hội - môi trường (Tiêu chí 14 -17), Chương trình cũng đã có thiết kế riêng dự án đối với phát triển giáo dục (Dự án 5), phát triển văn hoá (Dự án 6) và phát triển hệ thống y tế cơ sở (Tiểu dự án 1 Dự án 4 và Dự án 7) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung vào các nội dung như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ; Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng;…

Để đảm bảo các vấn đề về môi trường, các hoạt động của Chương trình cũng tập trung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 236.700 hộ; hỗ trợ xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 32.200 hộ thụ hưởng (Dự án 1); hỗ trợ kinh phí cải tạo cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải (Nội dung số 2, Tiểu dự án 2, Dự án 3); Đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 04 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (Tiểu dự án 1 Dự án 4).

Với thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ cũng như đặc thù về địa bàn, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được xác định thông qua các nội dung, hoạt động cụ thể của Chương trình.

Có thể nhận thấy các nội dung, hoạt động của Chương trình luôn bám sát và nhằm nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai hiệu quả Chương trình chính là thiết lập nền tảng cơ bản, đồng bộ, từng bước tạo điều kiện giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thiện các tiêu chí để ổn định, phát triển và xây dựng các xã, thôn nông thôn mới một cách bền vững.

Đến thời điểm này, nguồn lực của Chương trình đã được phân bổ. Ủy ban Dân tộc đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương chung sức, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung, hoạt động của Chương trình, trong đó tập trung đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông; thí điểm và đẩy mạnh triển khai các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; sớm hoàn thiện và đưa các công trình hạ tầng vào khai thác, sử dụng, tạo điều kiện để thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào ngay từ năm đầu triển khai Chương trình.

Thu Hằng