Phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn huyện Ngọc Lặc

(Mặt trận) -Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng, quan tâm, làm tốt công tác vận động và phát huy hiệu quả vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín cũng đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Ông Phùng Quang Du, người có uy tín ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn bà con học tiếng Dao. 

 Đồng chí Phạm Thị Thu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Huyện Ngọc Lặc hiện có 204 người uy tín/213 thôn, bản, khu phố. Để công tác vận động, phát huy vai trò người uy tín có hiệu quả, từ huyện đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ, thống nhất, bầu chọn người có uy tín phải có chất lượng. Phương pháp tranh thủ người có uy tín phải linh hoạt song không chồng chéo; vận động người uy tín tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân phải gắn vào nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương như: Gương mẫu thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới”... Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội trong, ngoài nước, của địa phương; định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người uy tín để nâng cao nhận thức và động viên, khuyến khích họ phát huy khả năng vận động Nhân dân.

Nhờ vận động và phát huy hiệu quả vai trò của người uy tín, đội ngũ người uy tín của huyện đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Điển hình là bác Phạm Vương Thư, dân tộc Mường, bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung. Với 4 ha cao su, 4 ha luồng, 3 ha dứa gai, 1 ha sắn dây và khoảng 400 con gà thả đồi, mỗi năm gia đình bác cũng thu về được khoảng 500 - 600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và khoảng 20 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bác Thư luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chi bộ thôn Thuận Hòa cũng vì vậy mà luôn giữ vững tiêu chí thôn đạt chuẩn nông thôn mới, chi bộ thôn nhiều năm đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh.

 

Luôn trăn trở trước việc bà con dân tộc Dao ở Thanh Hóa biết chữ Nôm Dao còn rất ít, bác Phùng Quang Du, người có uy tín ở bản người Dao Hạ Sơn (nay là khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc) đã dày công nghiên cứu và truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ. Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, bác Du vẫn tham gia giảng dạy chữ Nôm Dao cho bà con dân tộc mình. Bác còn phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa dạy chữ Nôm Dao cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang công tác ở các huyện, các xã miền núi, vùng cao biên giới.

 

Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Thịnh khẳng định: “Bác Phùng Quang Du vừa là thầy giáo dạy chữ Nôm Dao, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Dân tộc và Nhân học huyện Ngọc Lặc (thuộc Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa). Bác Du là người có uy tín trong cộng đồng người Dao Ngọc Lặc và có đóng góp rất quan trọng trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao. Từ những lớp học chữ Nôm Dao, chúng tôi mong muốn những tri thức, bản sắc giá trị văn hóa của cha ông sẽ được tiếp thu, lưu giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển mạnh mẽ”.

 

Cũng như bác Thư, bác Du, đội ngũ người uy tín của huyện Ngọc Lặc luôn giữ vai trò trung tâm của sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, biết tập hợp quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, đội ngũ người có uy tín phân tích, giảng giải cho Nhân dân thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo; qua đó, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền. Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, cấp ủy, chính quyền từ thôn, bản đến cấp xã đều vận động người uy tín làm “trụ cột” cho công tác hòa giải ở cơ sở, vận động người dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, người có uy tín còn phối hợp với ban công tác mặt trận xây dựng các mô hình tự quản về các lĩnh vực phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và làm tốt công tác hòa giải ở khu dân cư.

 

Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc tiếp tục chú trọng bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người uy tín phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hoài Linh