Phát huy vai trò người có uy tín ở Hòa Bình

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình luôn đóng vai trò quan trọng và là tấm gương sáng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là người có ảnh hưởng nhất định bằng niềm tin, sự tín nhiệm của người dân. Hiện, toàn tỉnh Hòa Bình có 1.283 NCUT, họ là già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn bản và tương đương, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, thầy mo, thầy cúng, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất giỏi, bí thư chi bộ và thành phần khác. Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với NCUT, hơn 10 năm qua, việc phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực.

 Ông Bàn Văn Thân (bìa phải) là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc,Hòa Bình . Ảnh: Mạnh Hùng

Ở xã Toàn Sơn (Đà Bắc), nhiều người biết đến ông Bùi Văn Quân, xóm Tân Sơn không chỉ bởi sự cần mẫn trong lao động sản xuất, mà còn là NCUT tiêu biểu. Ông Quân chia sẻ: Để phát huy tinh thần trách nhiệm khi được chi bộ, thôn và bà con tín nhiệm bầu là NCUT trong cộng đồng dân cư, ông luôn xác định, trước tiên bản thân phải tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy ước của xóm, xã để làm sao giữ gìn ANTT, an toàn xã hội, nhất là đoàn kết các dân tộc, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả không phải là đợi tổ chức các cuộc họp, ông thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện cùng người dân, kết hợp với tuyên truyền, vận động các hộ cùng chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới.

Cũng như ông Quân, ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa, ông Bàn Văn Thân là Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn được Nhân dân quý trọng. Từ nhiều năm nay, cùng những Người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Thân đã vận động con cháu trong dòng họ, trong xóm Dướng tự nguyện giao nộp vũ khí cho Công an xã . Cùng với sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, và sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của ông Thân, nhiều năm qua, ở Vầy Nưa không có người Dao nào liên quan tới các tệ nạn xã hội; các vụ việc vi phạm pháp luật được ngăn chặn, giải quyết ngay tại cơ sở

Bằng tiếng nói, uy tín của mình, thời gian qua, già làng Sùng A Sa, xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) ngoài việc vận động Nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... còn vận động người dân trong xóm, xã đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, chống phá; vận động Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; không trồng cây thuốc phiện, không vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; tham gia xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT tại cơ sở; tham gia tuyên truyền, giải quyết các vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân...

Theo đánh giá của đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, NCUT luôn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH, HĐND các cấp, NCUT đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời tích cực tham gia ý kiến đóng góp vào chương trình phát triển KT-XH, AN-QP ở địa phương. Những đóng góp của NCUT đã góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thêm vững mạnh.

Đồng chí Đinh Thị Thảo cho biết: Tỉnh miền núi Hòa Bình có 59 xã vùng đặc biệt khó khăn và hơn 74% người dân tộc thiểu số sinh sống. Giao thông đi lại còn khó khăn, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, vai trò của người có uy tín rất quan trọng trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; là những người đại diện nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với người dân địa phương.

Ngoài ra, trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành hạt nhân; là tấm gương sáng; có nhiều đóng góp thiết thực bằng ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, sân vận động… Đặc biệt, họ còn là những người đi đầu trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao, thu nhập ổn định.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân ngày lễ, Tết truyền thống, hỗ trợ vật chất, tinh thần khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; biểu dương, khen thưởng, đối với người có uy tín. Thông qua việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã kịp thời động viên, khích lệ họ phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, nghe và làm theo.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Giai đoạn 2011-2021, tỉnh đã bố trí hơn 34 tỷ đồng để cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Hiện nay, Hòa Bình đã tôn vinh, bầu chọn 1.283 người có uy tín như: Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất giỏi. Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, con cháu trong dòng họ, xóm, làng, tổ dân phố thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là thực hiện các phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo", "Tuổi cao, gương sáng, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương, đất nước"…

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hòa Bình năm 2021 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm 2,8% (từ 11,36% năm 2019 xuống còn 8,56% vào năm 2020). Toàn tỉnh có 65/129 xã khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các xã có điện lưới quốc gia.

Thời gian tới,  để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm dần các tệ nạn tại khu dân cư, tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng hoạt động đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai các quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

PV (TH)