Phát huy vai trò của người có uy tín trong phòng, chống dịch COVID-19

(Mặt trận) -Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, bằng trách nhiệm và uy tín của mình, những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tốt vai trò, nêu gương trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” hỗ trợ lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Ông Hà Minh Khâm (ngoài cùng bên trái), thôn Én, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tuyên truyền cho bà con về các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian qua, mỗi khi ra đường, ông Vi Văn Hào, bản Bơn, xã Mường Mìn (Quan Sơn) đã quen với việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Không những vậy, ông cũng ý thức được việc hạn chế đến nơi đông người, sử dụng nước sát khuẩn, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ông Hào chia sẻ: Nhờ có sự nhắc nhở, tuyên truyền của các cấp, các ngành, nhất là những người có uy tín trong thôn, xã, nên tôi và gia đình đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Từ đó chấp hành, nghe theo hướng dẫn phòng dịch và phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng, chống dịch hiệu quả nhất.

Có được những thay đổi tích cực đối với người dân như vậy, phần lớn là nhờ sự tham gia tuyên truyền của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với ông Phạm Bá Thúy, người có uy tín ở bản Bơn, xã Mường Mìn (Quan Sơn), thì việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh không chỉ là nhiệm vụ mà đã trở thành trách nhiệm. Suốt thời gian qua, bất cứ ngày nắng hay mưa, ông vẫn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong bản để tuyên truyền cho bà con về cách phòng, chống dịch COVID-19. Ông Thúy cho biết: Bản Bơn hiện có 110 hộ với 520 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, do đó trình độ nhận thức của bà con cũng có phần hạn chế. Nếu mình không đi sâu, đi sát tuyên truyền thì rất khó để bà con nắm bắt được và thực hiện. Tuy nhiên, cũng qua công tác tuyên truyền, qua kiểm soát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân nơi đây đã chấp hành rất tốt các quy định về phòng, chống dịch. Không còn tình trạng tập trung đông người và đa số đều đeo khẩu trang khi ra đường.

Trên địa bàn huyện Quan Sơn hiện có 94 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nói về vai trò của những người có uy tín trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, cho rằng: Các cấp, các ngành luôn đánh giá cao vai trò của những người có uy tín. Họ thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “tai”, “mắt”, là “cánh tay nối dài” cho chính quyền địa phương và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Những người có uy tín trên địa bàn huyện đều là người nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, tích cực với công việc của địa phương. Ngoài tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng dịch, họ còn nhanh chóng nắm bắt, phát hiện những trường hợp cần theo dõi, giám sát, cách ly, góp phần ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Được người dân tín nhiệm và bầu là người có uy tín ở thôn Én, xã Xuân Thắng (Thường Xuân), suốt thời gian qua, ông Hà Minh Khâm đã cùng với tổ tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 của thôn luôn làm tốt công tác kiểm soát những người ra, vào địa bàn nhằm rà soát, xác minh thông tin, thực hiện tốt các yêu cầu bắt buộc về phòng, chống dịch bệnh. Ông Khâm chia sẻ: Thôn Én có 133 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số. Thời điểm này, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nên việc hạn chế tập trung đông người và di chuyển là hết sức cần thiết đối với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch của tỉnh. Trong đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đóng vai trò quan trọng. Do đó, tôi cùng tổ tuyên truyền của thôn xác định để làm được điều đó, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và được thực hiện bằng nhiều hình thức mà trước hết là ngay trong chính gia đình mình mọi người phải thường xuyên nhắc nhở nhau thực hiện tốt quy định trong phòng, chống dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh; phân công đảng viên phụ trách từng khu dân cư; rồi triển khai các quy định cụ thể bằng văn bản...

Huyện Thường Xuân, hiện có 102 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lương Văn Nhàn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện luôn xác định vai trò quan trọng của người có uy tín, được ví như “cây đại thụ” của ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Bởi họ nắm rõ các nhân khẩu trên địa bàn phụ trách, nắm danh sách cụ thể những trường hợp có đi, đến, về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện, thông tin, báo cáo cấp ủy, chính quyền và cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời; tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tham gia tích cực trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, kịp thời rà soát các đối tượng khó khăn để đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Theo số liệu thống kê, năm 2020 toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.329 người có uy tín ở 1.329 thôn, bản, khu phố của 199 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã miền núi. Thực tiễn cho thấy những người có uy tín đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm túc chấp hành quy định chống dịch theo đúng phương châm “mỗi gia đình là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”... Với những hoạt động thiết thực của người có uy tín đã tạo nên thế trận lòng dân trong phòng dịch. Qua đó, giúp chính quyền địa phương và các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Đạt