Phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực vận động đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân. Ngoài ra, NCUT trong đồng bào DTTS đã tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Ông Bùi Quốc Phòng, người có uy tín ở thôn Thanh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường nông thôn.

Nét nổi bật là NCUT không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn tích cực vận động gia đình, dòng họ và đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, NCUT còn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, xóa bỏ canh tác lạc hậu, tạo ra mô hình, điển hình mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Thông qua mô hình sản xuất, kinh doanh hàng năm có hàng trăm hộ nông dân người DTTS đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, xuất hiện nhiều tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như gia đình các ông, bà: Bùi Công Bằng, xã Thành Long (Thạch Thành); Quách Đức Ban, xã Mậu Lâm (Như Thanh); Cao Thị Thịnh, xã Ban Công (Bá Thước)...

Trong phong trào xây dựng NTM, NCUT đã vận động anh em, dòng họ và người dân tích cực tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất, tiền của cùng hỗ trợ của Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, bản, phòng học, trạm y tế. Tiêu biểu như các ông Triệu Văn Long, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy); Phạm Văn Thư, xã Quang Trung (Ngọc Lặc)...

Nhờ sự đóng góp của đội ngũ NCUT trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM và sự nỗ lực chung tay của đồng bào các dân tộc, đến nay ở các huyện miền núi đã có 592 thôn, bản, 63 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,3%. Đặc biệt, năm 2019 huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 5% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 65% thôn, bản ĐBKK vùng đồng bào dân tộc miền núi thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí quy định.

Khắc Công