Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

(Mặt trận) -Bằng uy tín và kinh nghiệm, người có uy tín (NCUT) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tỉnh Thanh Hóa trở thành những “điểm tựa” vững chắc của đồng bào DTTS. Họ đã tích cực vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo; bài trừ những hủ tục và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Lãnh đạo xã Hiền Kiệt (Quan Hóa) tặng quà cho NCUT trong đồng bào DTTS xã Hiền Kiệt năm 2021.

Quan Hóa và Lang Chánh: Nâng cao vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS

Về bản Tai Giác, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lương Văn Đội, là NCUT của bản. Với bà con dân tộc Thái bản Tai Giác, ông Đội được bà con trong bản quý mến không chỉ bởi ông là người “hay lam hay làm” nên kinh tế gia đình khấm khá mà còn bởi ông sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong bản cùng làm kinh tế, tích cực vận động bà con thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bản Tai Giác có hơn 170 hộ, bản đã về đích nông thôn mới từ năm 2020. Là NCUT của bản, ông Đội đã tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu thêm ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động bà con hiến đất làm đường; xây dựng cảnh quan bản xanh - sạch - đẹp; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, phát triển kinh tế, xóa nghèo.

Ở bản Suối Tôn, xã Phú Sơn mọi người đều biết đến ông Thào A Vàng là NCUT của bản. Bản Suối Tôn có 100% đồng bào Mông sinh sống với ngành nghề chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Ông Thào A Vàng cùng chi bộ, ban quản lý, các đoàn thể trong bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện theo nếp sống mới trong ma chay, cưới hỏi, đưa vào hương ước, quy ước của bản và được bà con thực hiện. Ông Thào A Vàng luôn gương mẫu đi đầu vận động bà con trong bản không di cư tự do, tích cực làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục, trong đó có việc đưa người chết vào quan tài được xem là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức trong đồng bào Mông ở các bản có đồng bào dân tộc Mông nói chung, bản Suối Tôn nói riêng.

Năm 2022, huyện Quan Hóa có 105 NCUT/107 thôn bản, khu phố. Thời gian qua, huyện Quan Hóa đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NCUT. Công tác tranh thủ NCUT trong vùng DTTS tại địa phương được chú trọng và cải thiện rõ nét. Vai trò của NCUT được phát huy, họ đã và đang tích cực vào việc vận động Nhân dân, gia đình, dòng họ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực, trong các phong trào... góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện.

Tại huyện Lang Chánh, hàng năm, UBND huyện đã triển khai, chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS. Tôn vinh, biểu dương và ghi nhận những công lao đóng góp của NCUT trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm tốt chính sách đối với NCUT trên địa bàn. Đội ngũ NCUT trên địa bàn huyện Lang Chánh đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn bản, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn...

NCUT trên địa bàn huyện Lang Chánh còn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân; nâng cao cảnh giác, đấu tranh trước mọi âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Bằng uy tín, tiếng nói của mình, NCUT ở các thôn, bản đã cùng các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Hiện nay toàn huyện Lang Chánh có 75 NCUT trong đồng bào DTTS. Để tiếp tục phát huy vai trò của những NCUT trên địa bàn, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để NCUT biết, tham gia vận động Nhân dân thực hiện. Triển khai thực hiện đầy đủ những chính sách của Nhà nước đối với NCUT và thường xuyên thăm hỏi, động viên NCUT và gia đình NCUT gặp khó khăn, hoạn nạn; biểu dương kịp thời NCUT có nhiều đóng góp trong các phong trào.

Thanh Hóa thực hiện tốt chính sách cho NCUT

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ, phát huy vai trò NCUT trong đồng bào DTTS thực hiện bảo đảm quốc phòng, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực tham gia và vận động quần chúng Nhân dân các dân tộc tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; vận động con cháu, Nhân dân tích cực giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS; phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2012-2021, trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có 15.489 lượt người được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định công nhận là NCUT. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 NCUT/1.289 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là một số chính sách, chế độ hỗ trợ đối với NCUT đã góp phần khuyến khích, động viên kịp thời tinh thần của bản thân và gia đình NCUT. Vì vậy, vị trí và vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể, nhận thức và trách nhiệm của NCUT ngày càng cao hơn. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương NCUT điển hình trong đồng bào DTTS được tôn vinh, khen thưởng. Những tấm gương điển hình của NCUT trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa được nhắc đến như ông Lầu Minh Pó, dân tộc Mông, NCUT bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Tích cực trong triển khai thực hiện hiệu quả công tác vận động đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Mông; ông Nguyễn Văn Định, dân tộc Mường là NCUT thôn Đồng Phú, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành. Ông luôn phát huy tốt vai trò của NCUT trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại của huyện (nhiệm kỳ 2017-2022), ông thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác cho phù hợp, khai thác thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế, tích cực phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương...

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn các chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS các giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể đối với công tác vận động, phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào DTTS... Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khu vực đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, thì vai trò của NCUT hết sức quan trọng, là tấm gương tiêu biểu, cầu nối trong triển khai thực hiện.

Ngọc Huấn