Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

(Mặt trận) -Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Trong suốt lịch sử hơn 90 năm đầy vinh quang và tự hào của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt điều đó, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của dân tộc.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến  dự Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID- 19 do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động

Những quan điểm lớn của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, với nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, như xác định quan điểm “lấy dân làm gốc”, xử lý các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp trong thời kỳ quá độ, xác định các đối tượng cần đoàn kết, tập hợp trong thời kỳ mới. Đại hội khẳng định, phải coi trọng xử lý hài hòa lợi ích giữa các giai cấp và đổi mới chính sách xã hội trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - cơ sở quan trọng bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định các quan điểm đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, đồng thời phát triển thêm các vấn đề: Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng đoàn kết với một số đối tượng, với đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc (KĐĐKTDT). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do Đại hội VII thông qua, có hai bài học kinh nghiệm về vấn đề đoàn kết: 1- Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...; 2- Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) xác định, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc, đồng thời quyết định chuyển đất nước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xác định bằng các quan điểm, chủ trương: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thực hiện bằng sức mạnh của toàn dân, khai thác tiềm năng của mọi thành phần kinh tế. Phương châm thực hiện là hướng mạnh về cơ sở; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã bổ sung và phát triển một số quan điểm mới về đại đoàn kết toàn dân tộc: Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng KĐĐKTDT gắn với phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã làm rõ thêm đối tượng đoàn kết, cơ chế, phương thức thực hiện, vai trò các chủ thể... trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đã phát triển một số luận điểm mới, có ý nghĩa bổ sung cho chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh đặc điểm đại đoàn kết toàn dân tộc khi khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra; Văn kiện cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của tầng lớp doanh nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định coi trọng đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân, là cơ sở vững chắc cho đại đoàn kết toàn dân tộc; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.

Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định: Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.

Chủ đề Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Các văn kiện của Đại hội đều quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” và xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(1).

Kết quả và chủ trương, giải pháp trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng từ khi đổi mới

Kết quả xây dựng KĐĐKTDT: Qua 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, giữ ổn định chính trị - xã hội; quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; KĐĐKTDT tiếp tục được củng cố, phát huy. Nhận thức về KĐĐKTDT tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; theo đó, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân ngày càng được quan tâm. Sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là quyết tâm chính trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, củng cố vững chắc KĐĐKTDT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng dẫn đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế)_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, việc củng cố và phát huy KĐĐKTDT vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, kịp thời những diễn biến, thay đổi cơ cấu trong xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khác nhau để có chủ trương phù hợp; chưa kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chưa thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật đã được ban hành. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tính chất là liên minh chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội với chức năng đại diện cho các tầng lớp nhân dân còn chưa thực sự theo kịp tình hình mới, chưa phản ánh đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thậm chí còn xa rời nhân dân, quan liêu, nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ngày càng quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thành tựu xây dựng và củng cố KĐĐKTDT của chúng ta.

Một số chủ trương, giải pháp lớn của Đảng về xây dựng KĐĐKTDT từ khi đổi mới

- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm xây dựng xã hội phát triển hài hòa, đồng thuận, kiểm soát các biến đổi cơ cấu xã hội và phòng ngừa xung đột xã hội. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tếgiải phóng mọi năng lực của con người, không phân biệt đối xử. Gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, trong đó phát huy ở mức cao nhất các giá trị nhân văn, tương thân, tương ái, khoan dung, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực nội sinh của quá trình phát triển. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện và mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, khắc phục các biểu hiện dân chủ hình thức.

- Tăng cường hiệu quả can thiệp chính sách, nhằm thúc đẩy quyền cùng phát triển của các giai tầng trong xã hội, xử lý tốt các quan hệ xã hội nảy sinh. Trong đó, quan tâm đến công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... bằng những chính sách cụ thể nhằm phát huy thế mạnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và mong muốn được cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước và sự phát triển của từng giai cấp, tầng lớp, các giới và mọi thành phần hết sức đa dạng về nhu cầu, lợi ích khác nhau trong xã hội.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách làm việc, tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; xây dựng nền tư pháp liêm chính, chí công vô tư, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt các chính sách đối với người nghèo, người khuyết tật và các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, đồng thuận với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tạo động lực để nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Không để xảy ra các sai sót khiến các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị có thể lợi dụng để kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng, phá hoại KĐĐKTDT. Phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

 Đồng bào theo đạo nhận phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026  tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội_Ảnh: TTXVN

- Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo KĐĐKTDT. Xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng làm hạt nhân cho tăng cường và củng cố KĐĐKTDT. Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận; rà soát, tổng kết các nghị quyết, việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm tốt việc phân công trách nhiệm trong hệ thống chính trị đối với công tác xây dựng KĐĐKTDT. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQVN và các tổ chức quần chúng. Để tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh của KĐĐKTDT, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQVN. Trong hoạt động của MTTQVN, Đảng cần thể hiện là một thành viên tích cực nhất của MTTQVN, tôn trọng tính độc lập và đặc điểm riêng của MTTQVN. Đại diện các cấp ủy tham gia ủy ban MTTQVN các cấp bình đẳng về tư cách và có nghĩa vụ như mọi thành viên khác, đồng thời phải xứng đáng là thành viên nòng cốt tiêu biểu nhất; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các chương trình hành động chung của MTTQVN, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân, của MTTQVN.

Cần xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, như Đảng vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo của MTTQVN, quy chế làm việc giữa cấp ủy với MTTQVN các cấp, chế độ làm việc giữa cấp ủy và đảng đoàn MTTQVN..., trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hoạt động của MTTQVN.

Một số nhiệm vụ cần thực hiện để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian tới

Quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống 90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQVN qua các thời kỳ cách mạng; thực hiện sứ mệnh và chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, MTTQVN các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm là:

Tăng cường sự chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQVN

Phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, xây dựng KĐĐKTDT với tư cách là tổ chức liên minh chính trị rộng lớn nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQVN cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia đề xuất, xây dựng, phản biện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQVN các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lắng nghe nhân dân nói”, đa dạng hóa các kênh tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của nhân dân, phản ánh định kỳ và đột xuất để các cơ quan của Đảng, Nhà nước có cơ sở và thông tin giải quyết kịp thời, hiệu quả; đồng thời, quan tâm theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của nhân dân.

Phát huy dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội và KĐĐKTDT

Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQVN trong việc thực hành dân chủ và phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong đời sống xã hội. Trọng tâm là, triển khai hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ giám sát của MTTQVN, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là thực hành dân chủ ở cơ sở thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; tổ chức đối thoại của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân; giám sát cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư; đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và về kết quả xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

Hoạt động của MTTQVN phải góp phần tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân ý thức được về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, đồng thuận và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cần vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp phản ánh tới cấp ủy, chính quyền và trực tiếp đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị.

Kết hợp, xử lý hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai tầng xã hội, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng một cơ chế kết hợp hài hòa, hợp lý giữa lợi ích vật chất và tinh thần, lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài... của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho việc tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của KĐĐKTDT trong tình hình mới.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cụ thể hóa việc bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng thông qua vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào lớn, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”...

Phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc làm động lực và điểm tương đồng để tập hợp, xây dựng KĐĐKTDT

Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc làm động lực tập hợp, xây dựng và củng cố KĐĐKTDT, MTTQVN với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện duy nhất, rộng lớn nhất trong hệ thống chính trị nước ta, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống hào hùng của dân tộc và khát vọng phát triển, từ đó phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc, lòng tự tôn, khí phách và khát vọng của dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ; qua đó, xây dựng niềm tin, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk_Ảnh: TTXVN

Chăm lo và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong xã hội, trong các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng KĐĐKTDT

Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQVN có vai trò rất quan trọng. Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên cần thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các cá nhân tiêu biểu, trí thức, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lực lượng trí thức, chuyên gia, doanh nhân giỏi hướng về quê hương tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống MTTQVN các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng KĐĐKTDT trong tình hình mới

Coi trọng đổi mới mạnh mẽ về nội dung, bảo đảm thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cụ thể, tránh dàn trải, chung chung, hình thức; trong đó, ưu tiên nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là, coi trọng đổi mới, kiện toàn bộ máy hệ thống tổ chức mặt trận tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban công tác mặt trận ở khu dân cư.

Về phương thức hoạt động, cần coi trọng và nâng cao tính hiệu quả, thực chất hoạt động hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong MTTQVN để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các giai tầng, lực lượng trong xã hội, tránh sự chồng chéo, hạn chế bệnh thành tích cũng như gây quá tải cho cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thực hiện tốt chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế, chương trình phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan nhà nước; coi trọng đổi mới phương thức quan hệ với nhân dân, trong đó cần thường xuyên gặp gỡ, có cơ chế, cách thức để lắng nghe, tập hợp và phản ánh ý kiến của nhân dân; làm cầu nối của nhân dân với Đảng và chính quyền. Đồng thời, MTTQVN cần mở rộng các phương thức phối hợp truyền thông, phổ biến các điển hình tiên tiến, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể và cá nhân xuất sắc, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở cộng đồng, góp phần xây dựng sự gắn kết, khối đoàn kết toàn dân từ mỗi địa bàn dân cư./.

PHÙNG KHÁNH TÀI

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

---------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 34