Phát huy vai trò của các tôn giáo, truyền thông đa dạng nâng cao an toàn thực phẩm cho đồng bào dân tộc miền núi

(Mặt trận) -Để nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho đồng bào dân tộc miền núi, Lào Cai đã đẩy mạnh truyền thông đa dạng như ngay tại các chợ, phát huy vai trò của các tôn giáo.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Lào Cai là một tỉnh miền núi có 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 3 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, gồm Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành và một số hội nhóm, tổ chức tôn giáo khác với hơn 49.000 tín đồ. Trong những năm qua công tác tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo… được ngành Y tế và các cơ quan truyền thông thực hiện ngày một hiệu quả.

Tuy nhiên tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra, nhất là với đồng bào bà con dân tộc thiểu số vì họ ít quan tâm. Người dân tộc Mông có phong tục khi có đám tang, người cùng làng, anh em mang thực phẩm như lúa, gạo, thịt, rượu… đến để góp cho chủ nhà làm cỗ, chủ nhà thường mổ lợn, mổ trâu để cúng và tiếp khách. Việc ăn uống đông người trong nhiều ngày, điều kiện về chế biến thực phẩm không đảm bảo, nguyên liệu lại được góp từ nhiều người khác nhau, không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, chứa đựng thực phẩm, lại chế biến món tiết canh là nguy cơ cao gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Điển hình gần đây nhất là sau khi dự một đám tang của người dân ở thôn San II, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, với các món ăn gồm: Thịt lợn luộc, tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng… 11 người có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải nhập viện.

 Nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở khu vực vùng cao còn xuất phát từ ý thức của người dân.

Nhìn nhận về các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở khu vực vùng cao, ngoài yếu tố khách quan, còn có nguyên nhân từ ý thức của người dân.

Khảo sát cho thấy, tại các huyện vùng cao, đa phần người dân ít quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, bởi nhận thức hạn chế và điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác, bà con có thói quen sử dụng thực phẩm từ tự nhiên; mua thực phẩm thường không kiểm tra hạn sử dụng hoặc nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm… Từ thực tế này, nhiều đối tượng đã lợi dụng để trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đưa về địa bàn vùng cao tiêu thụ.

Theo các chuyên gia y tế, với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm ATVSTP cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Đa dạng hình thức truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng

Địa bàn miền núi với nhiều dân tộc, tôn giáo, trong khi nhận thức người dân còn hạn chế, phương pháp truyền thông chủ yếu một chiều, chưa có cách tiếp cận truyền thông phong phú, phù hợp với nhận thức của đồng bào, tài liệu truyền thông chủ yếu là chữ viết…., ngôn ngữ truyền thông chủ yếu là Tiếng Việt dẫn tới hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều phụ nữ khả năng đọc, nghe, nói Tiếng Việt còn chưa thông thạo. Trước thực tế này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đa dạng hình thức truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng cho bà con dân tộc, tôn giáo.

Chẳng hạn thiết kế bộ tranh tuyên truyền chủ yếu bằng hình ảnh dựa theo khuyến cáo 5 chìa khóa vàng chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số chủ đề khác như sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà, lựa chọn thực phẩm thông thường…

Mặt khác, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã hỗ trợ vật chất như thực phẩm bao gói sẵn, vật dụng sinh hoạt trong gia đình vì vậy trong các buổi tuyên truyền có vật phẩm trực quan và trao thưởng khuyến khích tham gia hỏi, đáp giữa người tuyên truyền bà con nên các buổi tuyên truyền rất hiệu quả và sôi nổi. Những buổi tuyên truyền tại các chợ, thôn bản vùng cao… đã dần thay đổi nhận thức cho bà con trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Song song phát huy vai trò của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận ở địa phương cùng tham gia để tuyên truyền, nâng cao chất lượng sống cho người dân bảo đảm an toàn thực phẩm, đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

H.M