Nữ “thủ lĩnh” người Vân Kiều góp sức xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, bà Hồ Thị Thanh, người Vân Kiều ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị luôn phát huy vai trò gương mẫu trong mọi việc. Đặc biệt, bà tích cực đi đầu tuyên truyền, vận động người dân khắc phục khó khăn của địa bàn miền núi, tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bà Hồ Thị Thanh trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị -Ảnh: K.S

Những năm về trước, do tập quán canh tác lạc hậu cùng với trình độ dân trí thấp nên đời sống của đại đa số người dân ở Phú Thiềng rất khó khăn.

Thấu hiểu sự thiếu thốn về mọi mặt trong cuộc sống của người dân quê mình, bà Thanh tích cực nghiên cứu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Để người dân tin và làm theo thì bản thân bà phải nói được và làm được.

Bà đi đầu phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa tuyên truyền người dân đầu tư chuyển đổi sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Quá trình sản xuất, bà giải thích cho dân hiểu phải bảo vệ môi trường bằng cách không phát, đốt, cốt, trỉa như trước đây, không xả rác bừa bãi, nhất là vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật mà phải đảm bảo việc thu gom quy về một điểm tập kết rác theo quy định.

Chăn nuôi thì phải đảm bảo chuồng trại hợp vệ sinh, không chăn thả trên các khu vực đầu nguồn nước, luôn phải tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở bản làng có nhiều truyền thống tốt đẹp nên bà rất gần gũi với những bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước nguy cơ một số giá trị văn hóa dân tộc Vân Kiều mai một, bà thường xuyên phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền sưu tầm, phục dựng, lưu giữ thiết chế văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân; xây dựng hương ước, quy ước thôn làng theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng các tổ chức, đoàn thể thôn thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới mà xã đã đạt được từ năm 2018.

Bà còn vận động chị em trong thôn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong thời đại mới để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bà Thanh chủ động tham gia thực hiện những nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới ở thôn. Bà tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, triển khai phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, phối hợp triển khai các nội dung trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời vận động gia đình, dòng tộc và Nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chấp hành tốt hương ước, quy ước của thôn; giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các mô hình tự quản về an ninh trật tự, xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bài trừ tệ nạn xã hội...

Nhờ đó, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, người dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang lễ và lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, bà vận động Nhân dân trong thôn tham gia đóng góp mỗi người 1 ngày công đề xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thông qua trao đổi kinh nghiệm sản xuất, vay vốn.

Bà Thanh chia sẻ: “Thuận lợi lớn nhất trong quá trình tuyên truyền, vận động ở địa phương là người dân luôn có lòng tin đặc biệt với Đảng và Bác Hồ. Chính vì vậy, mỗi khi được phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bà con luôn lắng nghe, tiếp thu, cái gì không hiểu, không rõ là hỏi lại cho thật kỹ, sau đó bảo ban nhau triển khai thực hiện.

Riêng đối với xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được rằng đây là phong trào có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với bản thân họ, do đó ai cũng có trách nhiệm.

Kết quả hôm nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo thôn Phú Thiềng đã có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung về KT-XH, đảm bảo QP-AN ở địa phương. Đó là sự động viên lớn, thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa vì sự đổi mới ở vùng khó”.

Kăn Sương