Ninh Thuận: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Ninh Thuận có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội; là cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

 Lễ hội Kate của đồng bào Chăm (Ninh Thuận)

Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 124 thôn, khu phố của 37 xã ở 7 huyện, thành phố trong tỉnh. 

Ninh Thuận hiện có 124 người có uy tín thuộc các dân tộc Chăm, Raglai, K’ho, Nùng và Chu ru được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là các già làng, tộc trưởng, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc, nhân sĩ, người sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên, người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp trên tất cả đời sống, kinh tế xã hội. Trong tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu; tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động nhân dân ban giao mặt bằng xây dựng các công trình dự án năng lượng tái tạo, đường cao tốc Bắc Nam; vận động đồng bào dân tộc xoá bỏ các tập tục mê tín dị đoan, không theo đạo trái quy định….

Trong phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu, nhất là trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi, hàng hoá nông sản. Thông qua các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp cho các hộ đồng bào DTTS thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi sang áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín tích cực vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông; thực hiện tốt vệ sinh môi trường; tham gia xây dựng hương ước, quy ước, vận động bà con thực hiện các nếp sống mới trong ma chay, hiếu hỉ, lễ hội và giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Trong công tác giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, tích cực vận động, giáo dục con cháu và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như Lễ hội Katê, Tết Ramưwan, Lễ Cambul… của người Chăm; Lễ mừng lúa mới, Lễ Cúng giàng, văn hoá ẩm thực của người Raglai; các công trình kiến trúc cổ Chămpa được Nhà nước xếp hạnh di tích Quốc gia đặc biệt đối với Tháp Pô Klong Garai, Tháp Hoà Lai, “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc”…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2011-2021 của tỉnh Ninh Thuận đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Đó là ở vùng DTTS, đời sống người dân còn thấp, nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật hạn chế gây ra nhiều khó khăn cho người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động. Một số ít cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác bầu chọn người có uy tín; một số người uy tín sức khoẻ không đảm bảo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn nên chưa phát huy được vai trò tại địa phương. Kinh phí hỗ trợ cho người có uy tín, việc đi lại của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục những hạn chế này, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng cường sự lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin tình hình phát triển kinh tế xã hội, chủ trương chính sách mới cho người có uy tín; phát huy vai trò giám sát của người có uy tín, tạo điều kiện để người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đồng thời, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của người có uy tín thông qua việc rà soát đánh giá người có uy tín hàng năm, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và nguyên tắc bầu chọn người có uy tín tại địa phương.

Ngọc Yến