Ninh Thuận: Đồng bào Chăm vui mừng Lễ hội Katê 2022

(Mặt trận) -Ngày 24/10, Lễ hội Katê năm 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận chính thức khai mạc với sự kiện thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân tại địa phương và du khách về dự.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đồng bào Chăm cùng người dân và du khách từ các nơi đổ về tham dự Lễ hội Katê 2022.

Được biết, Lễ hội Katê diễn tại Ninh Thuận diễn ra trong 3 ngày từ ngày 23-25/10, theo phong tục truyền thống hằng năm, cứ vào ngày mùng 1/7 Chăm lịch (tức ngày 24/10 Dương lịch) tại các khu vực đền, tháp Chăm gồm đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai; tháp Pô Rômê sẽ bắt đầu ngày lễ chính tổ chức các đoàn rước y trang, mở cửa tháp và tiến hành các nghi thức tôn giáo, văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Ngày 25/10, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Năm nay, lễ hội Katê thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm. Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 Đồng bào Chăm sắm lễ Katê.

Đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê nhà sum họp và quây quần bên người thân, gia đình. Đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn, tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 53.700 người, sinh sống tập trung tại địa phương của các huyện như; Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên, nên việc tổ chức đón Lễ hội Katê cũng sung túc hơn.

Các làng đồng bào Chăm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn trang phục, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, nặn gốm truyền thống, tổ chức các giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian… để người dân vui đón Lễ hội Katê.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức Lễ hội Katê tại các khu vực, đền, tháp; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đảm bảo vui tươi, an toàn, tiết kiệm và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, các gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu, chúc đồng bào Chăm hưởng một mùa Katê thật vui tươi, an lành và hạnh phúc.

Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng này, năm 2017 “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà Lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh con người tỉnh Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

XUÂN HIẾU