Ninh Phước (Ninh Thuận): Chú trọng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhờ đó đời sống đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ninh Phước được đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vùng đồng bào DTTS&MN huyện Ninh Phước hiện có 22 thôn, khu phố, với 11.93 hộ dân/54.906 nhân khẩu, chiếm 33,43% so với dân số toàn huyện. Trong đó, có 5 xã, thị trấn và 3 thôn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, 2 thôn đặc biệt khó khăn. Đời sống người dân vùng đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi. Để đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian qua, bằng nguồn vốn huy động được, huyện tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực vùng đồng bào DTTS&MN như: Đầu tư nâng cấp bê tông hóa đường giao thông; xây dựng hệ thống trường lớp, trạm y tế, nhà văn hóa, điện, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương...

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết “bốn nhà” và các mô hình có hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lớn, “1 phải, 5 giảm”, tưới nước tiết kiệm...; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh tại các địa phương; xây dựng, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS&MN về giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nhằm giúp cho người dân thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, thu nhập bình quân của người vùng đồng bào DTTS đạt 71,43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS hằng năm giảm 1,15%; đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, từ năm 2022 đến nay, huyện Ninh Phước đã xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, dự án và phân bổ trên 16,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương trên 11,5 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 1,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này huyện hỗ trợ chuyển đổi nghề tại xã Phước Hậu, Phước Thái, An Hải, Phước Hải; hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm nông cụ, máy móc sản xuất nông nghiệp, làm các nghề khác tại xã Phước Hậu; hỗ trợ nước sinh hoạt tại xã Phước Hậu, Phước Vinh và An Hải; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 12 hộ dân thôn Liên Sơn 2; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp tại xã Phước Vinh, Phước Thái. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN tại xã Phước Thái, Phước Vinh. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN tại xã Phước Vinh và Phước Thái; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Những năm qua, kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH chung của huyện. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian tới, huyện tiếp tục truyền thông, phổ biến pháp luật về chương trình MTQG, nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án và lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực hiện chương trình MTQG; tiếp tục xây dựng kế hoạch, xác định lợi thế ở mỗi vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất..., nhằm tạo động lực phát triển KT-XH ở địa phương.

Tiến Mạnh