Ninh Bình: Tích hợp nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Do đó, tỉnh Ninh Bình đã tập trung huy động cả hệ thống chính trị và chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Chăm sóc na tại HTX na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (Nho Quan).

Xác định triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. 

Trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56/2022/ NQ-HĐND ngày 27/10/2022 quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025... Đây là những căn cứ quan trọng làm cơ sở để phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. 

Với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tỉnh Ninh Bình đã huy động, lồng ghép được các nguồn lực để bố trí ngân sách thực hiện các chương trình MTQG. Theo đó, năm 2024, tổng số vốn ngân sách cấp tỉnh cân đối bố trí cho các chương trình MTQG là 303,848 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện phân bổ vốn cho các đơn vị để triển khai kịp thời, bảo đảm theo quy định. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 225 tỷ đồng, bao gồm, vốn sự nghiệp là 75 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư là 150 tỷ đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 36,063 tỷ đồng, 100% vốn sự nghiệp. Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 42,785 tỷ đồng, bao gồm vốn sự nghiệp là 26,785 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư là 16 tỷ đồng. 

Cùng với đảm bảo nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các Chương trình MTQG, nhất là chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn này, Ninh Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày một khang trang hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn. Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. 

Kết quả đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 100%); huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; huyện Yên Mô đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý I năm 2025; 119/119 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%), 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 27,7%), 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 12,6%); có 396 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Với phương châm phát triển bền vững, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, các ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Kết quả Chương trình OCOP đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bên cạnh việc tập trung nguồn vốn ngân sách để cải thiện đời sống cho nhân dân thông qua việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh... Ninh Bình là một trong những tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ngoài việc thực hiện các dự án của Chương trình và các chính sách giảm nghèo chung của Trung ương, tỉnh còn dành nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 929 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Riêng trong năm 2023, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 495 căn nhà. Năm 2024, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 424 căn nhà với tổng số tiền 78,5 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ cao nhất cả nước hiện nay là 100 triệu đồng/ căn nhà xây mới, 50 triệu đồng/ căn nhà sửa chữa. 

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trên 430 nghìn đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; giải quyết cho 9.373 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên... được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với tổng kinh phí là 883 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên đã giúp cho 15.473 hộ được vay vốn xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 309 tỷ đồng; 342 hộ được vay vốn nhà ở xã hội với tổng kinh phí 148,6 tỷ đồng. 

Tỉnh Ninh Bình cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đảm bảo có mức sống trên mức chuẩn nghèo hiện hành. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.397 lượt hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách tỉnh với số kinh phí trên 26,43 tỷ đồng. 

Việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, đảm bảo Kế hoạch thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo thẩm quyền quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đảm bảo việc thực hiện Chương trình theo đúng kế hoạch và mục tiêu, hiệu quả đã đề ra. 

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện (Yên Khánh) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và 1 huyện (Yên Mô) hoàn thành hồ sơ, trình Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024; hoàn thành các quy định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024. 

Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các cấp, ngành thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp người nghèo có sinh kế bền vững thông qua các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Thực hiện phân bổ nguồn lực đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, không dàn trải; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác.

N.T