Niềm vui từ những ngôi nhà mới trong mùa Sene Dolta

(Mặt trận) -Mùa Sene Dolta năm nay, nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo đã được ở trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang để đón lễ báo hiếu, thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất. Để có được thành quả này, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ, mang đến cho người nghèo những mái ấm đúng nghĩa.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Chị Thạch Thị Nga (thứ 4 từ phải qua) ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (huyện Châu Thành) vui mừng trong căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS.

Những mái ấm đại đoàn kết

Tỉnh Sóc Trăng hiện còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ) theo tiêu chí nghèo đa chiều, trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer). Với sự nỗ lực cố gắng tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau, trong 2 năm 2021- 2022, Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã xây dựng được gần 3.500 căn nhà đại đoàn kết, trong đó có 1.300 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer nghèo. Mỗi căn nhà có giá trị 50 triệu đồng, bảo đảm đủ tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), giúp hộ nghèo, nhất hộ Khmer nghèo có nhà ở ổn định, an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ về niềm vui khi có nhà mới, chị Thạch Thị Nga ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (huyện Châu Thành) không khỏi xúc động. Chị nói: “Gia đình không có ruộng đất, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập bấp bênh. Bao năm qua sống trong căn nhà dột nát mà không có tiền sửa nhà. Khi được tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, tôi mượn thêm tiền từ người quen và tích cóp được thêm được 40 triệu đồng để cất được căn nhà kiên cố, khang trang. Lễ Sene Dolta năm nay, gia đình vui hơn vì có nhà mới để chuẩn bị các đồ lễ mang lên chùa thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên!”

 Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ - CP của Chính phủ, nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS “an cư lạc nghiệp

Còn tại huyện Thạnh Trị, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, cả hệ thống chính trị và bà con đều quyết liệt vào cuộc. Xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị) có cách làm hay là ngoài mức hỗ trợ 50 triệu đồng/căn từ Chương trình, một số hộ đã vận động anh em, con cháu tự đóng góp thêm kinh phí hoặc ngày công lao động. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, tăng diện tích sử dụng theo phương châm đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) đối với nhà ở nông thôn.

Gia đình ông Lâm Bươl là hộ nghèo ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức. Nhiều năm qua, ông phải ở nhờ nhà con gái do nhà của ông bị sập nhưng không có khả năng cất lại. Trước hoàn cảnh của ông, Ban Chỉ đạo của xã Tuân Tức đã xem xét hỗ trợ ông xây được căn nhà khang trang. Ông Lâm Bươl xúc động chia sẻ: “Tôi ở đậu nhà con gái cũng 7 năm rồi, giờ được Nhà nước hỗ trợ cất lại cái nhà riêng. Mấy đứa con tôi cũng hỗ trợ thêm một ít tiền để hùn vô làm được căn nhà chắc chắn hơn. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương”.

Thêm nhiều mái ấm từ Chương trình 1719

Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống (chiếm trên 53%). Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Trần Đề đã tích cực triển khai Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhằm hướng tới mục tiêu giúp đồng bào DTTS nghèo “an cư”, vươn lên thoát nghèo.

 Có mái ấm khang trang, Lễ Sen Đônta của đồng bào Khmer cũng rộn ràng, ấm cúng hơn

Ông Thạch Văn Mến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết: năm 2023, huyện được Trung ương hỗ trợ kinh phí gần 40 tỷ đồng, trong đó, huyện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo 241 hộ, hỗ trợ mua đất ở 31 hộ cùng nhiều chương trình khác... Riêng đối với nhà ở, đến nay đã có trên 160 căn hoàn thành, các căn còn lại cũng đang xây dựng, đạt tiến độ từ 40% - 70%. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, từng gia đình có thể đối ứng thêm chi phí để xây nhà khang trang hơn. Qua thời gian triển khai, chương trình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp diện mạo nông thôn trong vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống”.

Những ngày qua, nhiều hộ đồng bào Khmer xã Viên Bình vui mừng khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ và bàn giao nhà ở cho hộ nghèo. Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, ông Thạch Sương ở ấp Trà Ông (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) vui mừng nói: “Khi được chính quyền xét hỗ trợ nhà ở cho gia đình với số tiền 44 triệu đồng và được tạo điều kiện cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, các con góp thêm chút ít để cất được căn nhà khang trang. Mùa Sene Dolta năm nay, gia đình tôi có ngôi nhà “3 cứng” không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà do mái bị dột nhiều nơi. Có nhà mới rồi, giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống”.

 Ông Kim Sol, dân tộc Khmer cùng gia đình trong bữa cơm đầu tiên tại căn nhà mới tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Ảnh TQ)

Có thể thấy, sau thời gian triển khai Chương trình MTQG 1719, diện mạo vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước nâng lên. Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Theo Kế hoạch số 147/KH - UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 3.099 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở thuộc tiểu dự án 2 Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 (giai đoạn I: từ 2021 - 2025). Cụ thể, năm 2022 là 623 hộ; năm 2023 khoảng 900 hộ; năm 2024 dự kiến khoảng 900 hộ. Tổng vốn ngân sách Nhà nước là trên 137 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 124 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 12,4 đồng. Do đó, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS”.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo là đồng bào DTTS được triển khai kịp thời vàđúng đối tượng đã góp phần tạo thêm niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống chiếm 35,44%. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS (17 xã khu vực III và 46 xã khu vực I), có 128 ấp đặc biệt khó khăn (83 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, 44 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I; 1 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã có ấp vùng DTTS (theo Quyết định số 612/QĐ – UBDT).

P.N - T.Q