Những người ăn cơm nhà lo việc làng ở Bình Định

(Mặt trận) -Tỉnh Bình Định có 122 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát. Trong những năm qua, những Người có uy tín đã có những đóng góp thiết thực cho các phong trào ở địa phương, cùng chung tay xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự và củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Ông KSo Chờ Ké (người thứ 3 từ phải sang), vận động người dân Suối Mây hiến đất làm đường bê tông sạch đẹp 

Xã miền núi Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tập trung tại các thôn M6, M8, M9 và M10. Đây cũng là địa phương giáp ranh với huyện Tây Sơn, nên công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) luôn được tăng cường.

Bá Đoàn - già làng, Người có uy tín tại thôn M9, xã Vĩnh Hòa - cho biết: Vì là địa bàn giáp ranh nên rất phức tạp về tình ANTT, thanh thiếu niên hai địa phương thường qua lại nên dễ nảy sinh mâu thuẫn. Vì thế, già thường xuyên tuyên truyền, vận động nhắc nhở, giải thích cho các cháu về những việc làm vi phạm pháp luật, từ đó các cháu hiểu và chấp hành nghiêm, không xảy ra mâu thuẫn, gây mất ANTT.

Đã nhiều năm rồi, bất kể nắng mưa, bà Đinh Thị Hới, Người có uy tín ở làng 2, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh ngày ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nhắc nhở bà con nghiêm túc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Già Hới tâm sự: Làng mình có 81 hộ với hơn 350 nhân khẩu, đều là người Ba Na. Do phong tục tập quán, bà con mình thích sinh con nhiều và muốn con cái lấy vợ, lấy chồng sớm để làm nương rẫy. Nếu mình không đi sâu, đi sát tuyên truyền về những hệ lụy của việc sinh con nhiều hay tảo hôn thì việc này rất dễ xảy ra.

Nhờ sự tích cực vận động, tuyên truyền của già làng Đinh Thị Hới nên hầu hết người dân trong làng đã chấp hành rất tốt các quy định về kế hoạch hóa gia đình, cam kết không sinh con thứ ba. Nhiều năm liền, trong làng không có tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống.

Đối với người dân thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, già làng Đinh Sinh, dân tộc Ba Na là Người có uy tín gương mẫu, tích cực trong việc làng, việc nước nên được bà con tin tưởng, quý mến. Trước đây, già làng Đinh Sinh là Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Bok Tới. Năm 2015, già Sinh được người dân thôn T2 tín nhiệm bầu làm Người có uy tín và tham gia tổ hoà giải của thôn.

Để làm tốt công tác vận động và hoà giải, già Sinh thường xuyên tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp bà con hiểu được lẽ phải và phân biệt được cái đúng, cái sai. Từ đó, dân làng nhận thức được việc làm, hành vi của mình, các hộ sống đoàn kết và hoà thuận.

Già Đinh Sinh bộc bạch: Để làm tốt công tác hoà giải, trước hết mình phải gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để động viên và giúp đỡ. Đối với những trường hợp mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi lại nhiều lần, kiên trì, khéo léo nắm bắt tâm lý, chia sẻ, tạo sự tin tưởng thì bà con mới nghe theo, làm theo. Đồng thời, tại các buổi họp, sinh hoạt của thôn, già Đinh Sinh cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời của kẻ xấu; phân tích, chỉ ra những cách thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm, giúp Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác.

 Người có uy tín tuyên truyền cho người dân xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu

Đến làng Suối Mây, huyện Vân Canh hỏi về ông KSo Chờ Ké thì ai cũng biết vì ông là Người có uy tín, luôn được bà con xem là tấm gương đi đầu trong các phong trào ở địa phương, trách nhiệm trong công tác giữ rừng, bảo vệ môi trường và xây dựng khu phố đô thị văn minh.

Ở Suối Mây, có đến 95% dân số là người đồng bào Chăm và Ba Na. Cuộc sống của người dân còn nghèo, kinh tế dựa vào làm ruộng, trồng rừng nên việc vận động hiến đất làm đường quả thực rất khó. Cùng là người địa phương nên ông Ké lại càng thấu hiểu và sâu sát hoàn cảnh từng hộ gia đình, nên ông và Ban khu phố lại có những cách thuyết phục khác nhau. Tất cả đều trên tinh thần việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Nhờ vậy, mà bà con địa phương đều hiểu đúng về chủ trương, chính sách của huyện, nên các hộ dân đều đồng ý tự nguyện hiến đất làm đường.

Ông Ké, chia sẻ: Mới đầu khi đi vận động từng hộ gia đình hiến đất làm đường, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì dân trí của bà con không đồng đều, một số người tâm tư, tính hơn, tính thiệt vì phải “xẻo” mảnh đất của cha, ông để lại mà không được hỗ trợ đồng nào. Nên tôi đã kiên trì, thuyết phục bà con cần phải tính “thiệt trước mắt, lợi dài lâu” để nhà nước mở đường, thì người dân mới dần hiểu chủ trương. Khi thấy một số hộ đồng loạt hiến đất, dỡ công trình, nhổ bỏ keo, thì các hộ còn lại cũng từ từ thuận theo, giao đất cho UBND thị trấn Vân Canh sớm giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định Đinh Văn Lung cho hay: Có uy tín và nắm rõ tình hình ở địa phương, những Người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là “cánh tay nối dài” của chính quyền thôn, xã trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Là nhưng người ăn cơm nhà, lo việc làng nhưng với tinh thần trách nhiệm, họ luôn đi đầu trong mọi công việc. Tôi mong rằng, các cấp ngành có sự hỗ trợ thêm để những Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với cộng đồng.

N.T