Những “cầu nối” tiêu biểu ở bản làng

(Mặt trận) -Phát huy vai trò của mình, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, họ đã góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thay đổi diện mạo các thôn, bản ở địa phương.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Đưa ý Đảng đến với lòng dân

Về thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, nhắc đến NCUT trong đồng bào DTTS của thôn, ai cũng biết đến ông Hồ Trọng Biên bởi ông không chỉ là tấm gương sáng trong việc vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong thôn. Việc làm của ông tạo được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống trong thôn, được cấp uỷ, chính quyền địa phương và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

 Ông Hồ Trọng Biên (giữa) tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân - Ảnh: H.T

Ông Biên còn rất tích cực vận động người dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, văn hoá cổ truyền của dân tộc, thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, học hỏi, làm theo.

“Với trách nhiệm là NCUT, tôi nghĩ rằng muốn dân hiểu, dân tin thì bản thân phải làm gương trong các hoạt động, đi trước, làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi thì sẽ học tập làm theo. Với bà con hàng xóm, mình cứ chân thành, cái gì biết thì tuyên truyền, chia sẻ, cái nào thấy chưa đúng thì bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình mà phân tích, góp ý cho mọi người hiểu, cùng nhau làm điều có ích, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”, ông Biên vui vẻ nói.

Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Cùng với việc nghiên cứu để hoàn thiện kỹ nghệ phục chế các loại nhạc cụ truyền thống có nguy cơ thất truyền, già làng Ăm Hùng, NCUT ở thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa còn tích cực sưu tầm những làn điệu dân ca nguyên bản để lưu giữ và truyền lại cho con cháu nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Ông Ăm Hùng có nhiều đóng góp trong lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc - Ảnh: H.T 

Từ nhỏ, già làng Ăm Hùng đã được nghe kể và tiếp xúc nhiều với các loại nhạc cụ, điệu múa cồng chiêng, khèn bè của dân tộc mình trong các dịp lễ hội. Những âm thanh ngân vang đặc sắc kết hợp với những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống của dân tộc khiến ông say mê, muốn gìn giữ, lưu truyền và phát triển.

Chính vì vậy, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn nỗ lực để sưu tầm các loại nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ông còn tích cực truyền dạy dân ca Pa Kô cho những người tâm huyết, nhất là thanh niên ở các bản làng và tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật… để giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với đông đảo người dân.

Ông Ăm Hùng còn cùng với người dân trong cộng đồng gìn giữ, phát huy nghề truyền thống đan lát của cha ông. Ông Ăm Hùng chia sẻ: “Là NCUT, mình phải đi đầu, gương mẫu trong mọi việc, đặc biệt đối với giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì thế, tôi sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ cách “chữa bệnh” các nhạc cụ truyền thống cũng như cách hát, múa dân ca để góp phần cùng với các già làng, trưởng bản, NCUT và chính quyền địa phương lưu giữ, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS vùng cao Quảng Trị.

Đi đầu làm kinh tế giỏi

Nhiều năm nay, ông Ăm Neng, NCUT ở thôn Vầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa luôn tiên phong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để nêu gương cho cộng đồng làm theo.

 Ông Ăm Neng (giữa) trao đổi kinh nghiệm làm ăn với người dân trong thôn - Ảnh: H.T

Bằng uy tín của mình, ông Ăm Neng tích cực phối hợp cùng cán bộ thôn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công làm trường học, đường nông thôn…

Ông là tấm gương tích cực trong vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, gia đình ông đã trồng được hơn 200 gốc cây ăn quả gồm cam, quýt, vải…; nuôi cá nước ngọt với diện tích 700 m2 ; nuôi 10 con dê sinh sản; 1 đàn lợn 8 con… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Noi gương ông Ăm Neng, từ chỉ biết trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa trên nương rẫy thì nay người dân trong thôn đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Ăm Neng chia sẻ: “Đổi thay lớn nhất ở thôn bây giờ là bà con luôn tích cực thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; quan tâm cho con em đến trường khi đến tuổi đi học, các hủ tục cũng được xóa bỏ, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần... Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người trong thôn ngày càng được nâng cao”.

Hà Trang