Những ‘cầu nối’ Mặt trận với đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu

(Mặt trận) -Thời gian qua, những cá nhân người dân tộc thiểu số (DTTS) đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã; Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố đã trở thành cầu nối giữa cộng đồng các DTTS nói riêng, người dân ở địa bàn dân cư nói chung với chính quyền địa phương trong thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động an sinh xã hội.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Những gương cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2022 nhận bằng khen

Ghi nhận sự đóng góp của những nhân tố này, trong số 93 tấm gương làm công tác Mặt trận ở cơ sở tiêu biểu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tuyên dương nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2023) tới đây, có 4 cá nhân là người DTTS được nhận vinh dự này.

* Nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng

Anh Đinh Xuân Thảo, dân tộc Mường hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Viễn (H.Trảng Bom) kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, anh Thảo kết hợp nhiệm vụ ở 2 vị trí việc làm để xây dựng các hoạt động an sinh xã hội trợ giúp người nghèo.

Theo anh Thảo, xã có gần 10 ngàn dân, trong số này có đông người ở trọ làm việc tại Khu công nghiệp Giang Điền nằm liền kề xã. Ngoài 61 hộ nghèo, gia đình cận nghèo còn nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi năm, anh đều thực hiện rà soát người cần trợ giúp. Sau đó, được sự chấp thuận của Đảng ủy, UBND xã, anh tiến hành vận động trợ giúp cho người khó khăn. Hiện có 2 trường hợp được mạnh thường quân trợ giúp hàng tháng. Đồng thời, mỗi năm có hàng trăm phần quà được hỗ trợ cho bà con.

Riêng với những trường hợp người ở trọ qua đời đột ngột, gia đình có thành viên qua đời nhưng hoàn cảnh khó khăn, anh Thảo đều tìm đến, chủ động sử dụng tiền cá nhân hỗ trợ ban đầu rồi vận động thêm. “Tôi không trao mà mời người ủng hộ đến gặp, thăm hỏi rồi tặng trực tiếp bà con. Điều này đảm bảo tất cả sự vận động đều sử dụng cho mục đích nhân đạo, người nhận cũng đúng với hoàn cảnh thực tế. Qua đó gây dựng niềm tin đối với người đóng góp lẫn người nhận” - anh Thảo chia sẻ.

Đáng chú ý nhất trong hoạt động nhân đạo của anh Thảo thời gian qua là Ngày hội Hớt tóc miễn phí được duy trì đều đặn hàng năm. Mỗi năm, anh Thảo cùng những người bạn thực hiện một chương trình hớt tóc cho từ 100-150 người, chủ yếu là học sinh. Nhờ hoạt động này mà anh Thảo có cơ hội tiếp xúc với nhiều học sinh, phụ huynh để nắm thêm hoàn cảnh của nhiều gia đình trong xã. Như mới đây, anh đã mua 3 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khi biết cha mẹ các em khó khăn.

Ngoài ra, anh Thảo còn chú trọng tuyên truyền bà con tham gia hiến máu tình nguyện và bản thân thực hiện từ 2-3 lần hiến máu tình nguyện/năm. Điều này góp phần khuyến khích nhiều người dân vượt đường xa hơn 10km từ xã đến trung tâm huyện để hiến máu khi được yêu cầu.

* Xây dựng cầu nối giữa cộng đồng với chính quyền

Những năm qua, người đàn ông dân tộc Tày Chu Văn Chăng Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú) đã phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng với chính quyền trong thực hiện các hoạt động xây dựng địa phương.

Cụ thể, khi địa phương phát động thực hiện phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh, ông đã vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà ở. Nhà nào nằm trên đường chính có xe thu gom rác thì ký kết với đơn vị công ích; nơi nào xe thu gom rác chưa đến được thì mỗi hộ có biện pháp xử lý phù hợp. Không vứt rác ra khu vực thưa vắng hay thả trôi theo dòng  nước làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng.

Ngoài ra, trước mỗi đợt chào mừng dịp lễ lớn, Tết, ông cùng bà con ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường và trồng cây xanh, vét mương khơi thông dòng chảy. Năm qua, ấp trồng được hơn 1,2 ngàn cây xanh các loại. Để đảm bảo cây sống khỏe, phát triển tốt, theo ông Chăng, ban ấp cùng bà con thống nhất cây trước khu vực đất nhà ai thì hộ đó nhận chăm sóc. Riêng ở nơi không nhà dân hay trước khu vực công cộng, ban ấp chủ động phân chia nhau bảo vệ, chăm bón. Nhờ vậy mà cảnh quan dọc các tuyến đường của ấp hiện nay xanh, sạch đẹp.

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, theo ông Chăng, ấp có 6 gia đình có công với cách mạng. Mỗi năm, ban ấp duy trì đều đặn việc tổ chức thăm và tặng quà cho những trường hợp này. Trong quá trình thăm hỏi, ban ấp cố gắng tổ chức đoàn bao gồm nhiều thành phần tham gia, trong đó có những người trẻ. Việc làm này nhằm thể hiện sự tôn vinh với gia đình chính sách có công, giáo dục truyền thống yêu nước.

Đồng thời, nhiều trường hợp học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn cũng được giúp đỡ. Ban ấp đã vận động để trao quà cho 15 học sinh nghèo có thành tích trong học tập.

* Khéo vận động...

Còn ở 2 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống thuộc H.Trảng Bom, những năm qua bà Chống Nhì Múi, dân tộc Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Hàm và ông Sàn Ngọc Thành, dân tộc Tày, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thuận Trường, xã Sông Thao đã phát huy vai trò cầu nối trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào.

Ông Sàn Ngọc Thành cho hay, trong quá trình triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ông tìm kiếm những việc làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm ở khu dân cư và sát với nhu cầu của bà con để triển khai. Cụ thể, việc chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông được hầu hết bà con thực hiện nghiêm song vẫn còn một số trường hợp lúc chạy xe không đội mũ bảo hiểm. Một số thanh niên thì độ xe, nẹt pô gây khó chịu cho mọi người. Những trường hợp này, ông nhắc nhở trực tiếp rồi trò chuyện cùng phụ huynh để giáo dục con em sửa đổi.

Ngoài ra, để chủ động làm những việc khu dân cư cần, giảm gánh nặng cho ngân sách, ông vận động người dân tự nguyện đóng góp để làm những điều cần thiết. Qua đó, bà con đã chủ động đóng góp gắn 6 camera an ninh, mua thùng rác phân loại rác vô cơ, hữu cơ với tổng số tiền 41 triệu đồng.

Thời gian qua, xã Bàu Hàm thực hiện dự án Hồ Suối Dầm, trong quá trình triển khai nhiều hộ dân, trong đó phần đông là đồng bào DTTS bị ảnh hưởng. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bà Chống Nhì Múi cùng các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở đã vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách. Với những kiến nghị, đề xuất của bà con trong quá trình tiếp xúc, bà lắng nghe, truyền đạt với cơ quan cấp trên và theo dõi để hồi đáp cho người dân.

Khi các xe chở đất đá di chuyển từ khu vực hồ ra đường lớn và ngược lại làm rơi vật liệu khiến đường bẩn, nhất là khi trời mưa và gây ra  bụi tung đỏ ngầu khiến không khí ngột ngạt, được người dân thông tin, bà đã phản ảnh đến chính quyền địa phương để đơn vị thi công có giải pháp giảm thiểu tác động. Đồng thời, vận động nhân dân chia sẻ và có những cách làm trong khả năng để làm giảm sự ảnh hưởng đến cuộc sống. Điều này đã góp phần chung vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian qua.

S.T - T.T