Những “cánh tay nối dài” để đến gần với đồng bào có đạo ở Long An

(Mặt trận) -Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở tỉnh Long An đã trở thành “cánh tay nối dài” để những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào có đạo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Toàn tỉnh Long An hiện có trên 430.000 tín đồ theo đạo (chiếm khoảng 28% dân số). Ảnh: Thanh Hà

Toàn tỉnh Long An hiện có trên 430.000 tín đồ theo đạo (chiếm khoảng 28% dân số). Toàn tỉnh có 23 tổ chức thuộc 10 tôn giáo được nhà nước công nhận đang hoạt động, trong đó có 4 tôn giáo với số lượng tín đồ tương đối lớn là Phật giáo, Công giáo, Tin lành Việt Nam (miền Nam) và Cao Đài.

Thời gian qua, tỉnh Long An chú trọng phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong thực hiện các chương trình, phong trào, cuộc vận động ở địa phương.

Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín đã trở thành “cánh tay nối dài” để những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào có đạo, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

Với tư tưởng “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo tỉnh Long An đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, Phật giáo trong tỉnh không quản ngại khó khăn tham gia chống dịch, giúp dân.

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó giữa đạo và đời, Phật giáo tỉnh Long An luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Giáo hội; tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phật giáo tỉnh Long An còn triển khai nhiều việc làm thiện nguyện: Xây dựng nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; mở các phòng khám Đông y miễn phí giúp đỡ người bệnh; xây dựng cầu giao thông nông thôn; tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học;... Tổng kinh phí thực hiện mỗi năm trên 100 tỉ đồng.

Với tư tưởng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, các chức sắc, chức việc Công giáo trên địa bàn tỉnh Long An phát huy tinh thần đoàn kết, tương ái, chung tay xây dựng quê hương.

Về vùng giáo xứ xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, mọi người sẽ cảm nhận được sức sống mới ở nơi đây. Những con đường bê tông rộng rãi cùng hàng cây hoa chuông vàng khoe sắc. Bên tháp chuông nhà thờ là những dãy nhà san sát. Cuộc sống của người dân chuyển biến rõ rệt. Đó là thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương với sự chung tay của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Nước Trong.

Anh Phan Minh Thịnh, ấp Nước Trong, chia sẻ, là giáo dân, anh sống "tốt đời, đẹp đạo", góp sức xây dựng địa phương. Khi UBND xã cùng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Nước Trong đến vận động tham gia các phong trào, gia đình anh và các giáo dân trên địa bàn đều đồng tình hưởng ứng. Gia đình anh Phan Minh Thịnh đã hiến 100m2 đất để bêtông hóa đường giao thông nông thôn cũng như đóng góp tiền, ngày công cùng mọi người xây dựng tuyến đường.

Song song đó, trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các xóm đạo trên địa bàn tỉnh Long An tích cực tham gia các mô hình: Xóm đạo bình yên, Ánh sáng an ninh nông thôn,... góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 3 cơ sở giáo dục của các tôn giáo do ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh và UBND cấp huyện quản lý.

Các tổ chức tôn giáo đã hiến đất, cơ sở vật chất trường, lớp để thành lập cơ sở giáo dục trong tôn giáo. Việc hình thành các cơ sở giáo dục trong tôn giáo góp phần giải quyết phần nào tình trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Đội ngũ giáo viên, quản lý của trường đa số là người có đạo, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

Trong lĩnh vực y tế, có 14 phòng khám, điều trị bệnh miễn phí trong cơ sở tôn giáo, phòng thuốc từ thiện. Các cơ sở này hoạt động dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của Hội Đông y tỉnh. Hoạt động này được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng tôn chỉ, mục đích hành đạo trong tôn giáo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Long An Nguyễn Văn Mưng, bằng tinh thần phục vụ, các tôn giáo trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện; đồng thời, phát huy giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Đặc biệt, các chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo đã trở thành “cầu nối” quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, gắn kết trong chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hà Thanh