Những 'cánh chim đầu đàn'

(Mặt trận) -Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Quảng Ninh, tiếng nói của người có uy tín rất có trọng lượng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bình Thuận: Chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lục Yên thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025

Phú Thọ: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhờ có sự vận động của người có uy tín, đồng bào dân tộc Dao ở Tiên Yên đã xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. 

Xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đồng bào dân tộc Dao chiếm 98%, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Nhắc đến ông Bàn Sinh Hương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) không ai là không biết đến. Ngoài là Bí thư chi bộ xã đã nghỉ hưu, ông Hương còn là thầy cúng từ khi còn công tác đến nay.

Đồng bào dân tộc Dao rất coi trọng thờ cúng tổ tiên vì cho rằng tổ tiên, ông bà luôn dõi theo phù hộ cho họ. Việc thờ cúng to nhỏ từ động thổ, nhập trạch, đến ma chay, cưới hỏi hay lễ cấp sắc, cầu mùa… đều phải do thầy cúng, nên trong tiềm thức mỗi người Dao, thầy cúng có một vị trí đặc biệt quan trọng, tiếng nói có sức mạnh.

Bà Bàn Thị Phương - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng cho biết: Nhiều việc khó giải quyết giữa chính quyền với dân, nhưng với ông Hương lại trở thành đơn giản, như giải phóng mặt bằng, tuyên truyền cho người dân thực hiện các chủ trương, chính sách mới…

Giai đoạn 2023-2027, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định công nhận 363 người có uy tín. Thành phần chủ yếu gồm các già làng, trưởng dòng họ; trưởng thôn, bản, khu phố; thầy giáo, thầy thuốc; cán bộ nghỉ hưu; người sản xuất, kinh doanh giỏi...

Nhiều gương sáng tiêu biểu như ông Vi Văn Bình (thôn Đồng Giảng A, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ) đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động người cao tuổi tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Tày; ông Dường Cắm Sinh (khu Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, tham gia thực hiện các dự án công trình nông thôn mới trên địa bàn; tham gia các dự án, chương trình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập…

Với vai trò nòng cốt, tiên phong, hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, người có uy tín ở các địa phương đã gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, không những làm giàu cho gia đình, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đồng thời, người có uy tín còn phát huy vai trò tuyên truyền đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, cũng như truyền thống văn hóa dân tộc.

Ông Đỗ Khánh Tùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết, xác định công tác dân tộc, đặc biệt là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh luôn dành sự quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là quyết tâm về đích nông thôn mới.

Mỗi cá nhân người có uy tín ở Quảng Ninh đều có điểm chung là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm. Họ là những “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt cộng đồng vượt qua khó khăn, thử thách, tiến về phía trước.

N.Q