Như Thanh (Thanh Hóa): Phát huy vai trò người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Những năm qua, người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang đóng vai trò tích cực, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào vùng DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn huyện Như Thanh.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Cán bộ xã Xuân Du thăm vườn đào phai của gia đình ông Quách Văn Lưu (bên phải), dân tộc Mường, người có uy tín, trưởng dòng họ Quách thôn 6.

Vai trò gương mẫu, đi đầu

Như Thanh là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, dân số trên 99.400 người gồm các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ... cùng chung sống. Đồng bào DTTS chiếm 43,22% (dân tộc Mường chiếm 23,43%; dân tộc Thái 19,21%; dân tộc khác 0,58%). Toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn, 159 thôn, bản, khu phố (trong đó có 2 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 8 xã khu vực I và 27 thôn đặc biệt khó khăn).

Ông Phạm Hữu Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Như Thanh, cho biết: “Do đặc thù của địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư phân bố không đều, địa hình rộng, giao thông đi lại còn khó khăn, đời sống kinh tế, văn hóa cũng như trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế... Vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) XDNTM, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững,... đã giúp cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của huyện cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân; góp phần thực hiện các tiêu chí XDNTM. Những chuyển biến tích cực trong đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng, huyện Như Thanh nói chung, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của đồng bào các dân tộc huyện Như Thanh thì đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân vùng đồng bào DTTS đóng góp vai trò, tiếng nói quan trọng".

Giai đoạn 2021-2023, huyện Như Thanh có 322 người có uy tín trong vùng DTTS, là đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi... Nhân sĩ, trí thức người DTTS năm 2022 là 415 người, chiếm 28% toàn huyện; doanh nhân người DTTS là 8 người/8 doanh nghiệp. người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân trong đồng bào DTTS toàn huyện không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, gia đình, dòng họ cùng thực hiện. Họ đã và đang tích cực tham gia phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng DTTS, XDNTM. Tham gia giải quyết nhiều việc phát sinh trong đời sống thường ngày, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Như Thanh.

Những tấm gương tiêu biểu

Về thôn 6, xã Xuân Du, chúng tôi đến thăm gia đình ông Quách Văn Lưu (sinh năm 1962), dân tộc Mường, là người có uy tín, trưởng dòng họ Quách. Thôn 6 có diện tích trồng đào phai nhiều nhất xã Xuân Du và gia đình ông Lưu là hộ tiêu biểu, có số lượng đào phai nhiều nhất thôn với hơn 3.000 gốc. Ngoài ra, ông còn trồng hơn 800 gốc thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, gia đình ông cho thu nhập từ đào, thanh long hơn 300 triệu đồng. Những năm qua, được bà con trong thôn tín nhiệm bầu là người có uy tín, đồng thời là trưởng dòng họ nên ông Lưu luôn là người gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của thôn, dòng họ, phát động, vận động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng quê hương. Ông Lưu chia sẻ: “Thôn 6, xã Xuân Du có hơn 200 hộ, trong đó có 70 hộ là đồng bào dân tộc Mường. Nghề chính của bà con là trồng cây đào phai. Tôi luôn tâm niệm, trong mọi công việc, để bà con nghe theo thì trước tiên mình phải luôn gương mẫu, gia đình mình là gia đình gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Ví như, trong XDNTM, để bà con đồng thuận, tích cực hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, đường vào sân vận động thôn, gia đình tôi đã tiên phong hiến đất làm đường. Bởi sự đồng thuận, đoàn kết của bà con trong mọi công việc nên thôn 6 đã về đích NTM kiểu mẫu, đời sống Nhân dân dần nâng cao”.

Ở xã Xuân Du, nhiều người biết đến ông Quách Văn Lực, dân tộc Mường, là trưởng dòng họ Quách thôn 5. Đây là dòng họ tiêu biểu trong phong trào khuyến học - khuyến tài, đồng thời là dòng họ đầu tiên của xã Xuân Du xây dựng được quỹ khuyến học. Là trưởng dòng họ, từ uy tín của bản thân, ông Lực luôn quan tâm động viên các gia đình trong dòng họ cho con cái ăn học, có việc làm ổn định; đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay XDNTM. Năm 2021, thôn 5 đã về đích NTM kiểu mẫu.

Không chỉ ông Lưu, ông Lực mà hàng trăm người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS huyện Như Thanh đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Tiêu biểu như trong XDNTM, phát triển kinh tế hộ gia đình còn có ông Cầm Minh Hạnh, dân tộc Thái, cán bộ hưu trí thôn Mó 2, xã Cán Khê; ông Bùi Văn Báo, dân tộc Mường, cán bộ hưu trí thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, hiến đất làm đường. Ông Trương Văn Tuấn, trưởng thôn Yên Xuân, xã Yên Thọ đã vận động Nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng 3km đường bê tông nông thôn; đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn với số tiền 300 triệu đồng. Ông Bùi Văn Bảy, dân tộc Mường, trưởng thôn 2, xã Xuân Phúc đã có nhiều sáng tạo và mạnh dạn trong việc lấy ngắn nuôi dài, tận dụng đất đai để sản xuất nông - lâm nghiệp tổng hợp, mua máy móc về cày cấy, phục vụ bà con...

Nhiều tấm gương đi đầu, tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia các tổ chức đoàn thể, phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng như ông Lục Văn Thành, dân tộc Thái, cán bộ hưu trí thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long. Trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự có ông Phạm Minh Dượn, thôn Xuân Tiến, xã Xuân Khang đã không quản ngại vất vả, khó khăn đi tuyên truyền, vận động Nhân dân đảm bảo công tác an ninh trật tự thôn xóm và XDNTM...

Người có uy tín cũng đã làm tốt công tác nêu gương và vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như ông Vi Thanh Tem, bí thư chi bộ thôn Thanh Xuân, xã Thanh Tân.

Hiện nay, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái làng Rộc Răm, xã Xuân Phúc đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lễ hội Sết Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Mó 1, xã Cán Khê đang đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lễ hội cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, xã Phượng Nghi... đã và đang được cộng đồng DTTS gìn giữ, trong đó có vai trò, đóng góp của đội ngũ người có uy tín.

Phát huy vai trò trách nhiệm của mình, đội ngũ nhân sĩ, trí thức là người DTTS luôn gương mẫu, trách nhiệm và tận tụy trong công tác chuyên môn, trong lãnh đạo, quản lý, điều hành các cơ quan của Đảng và chính quyền ở địa phương. Trong lĩnh vực QP-AN, có nhiều cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, điển hình như Trung tá Trương Văn Quỳnh, Phó trưởng Công an huyện; Thượng úy Lô Văn Đôn, Đội An ninh, Công an huyện, đều là người dân tộc Thái tiêu biểu... Trong lĩnh vực y tế, bác sĩ CKI Quách Văn Thiện, bác sĩ CKI Hoàng Thị Huệ, dân tộc Mường, công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện; bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện là những thầy thuốc tiêu biểu, tận tình trong công tác chữa trị, cứu người. Trong lĩnh vực giáo dục có nhiều cá nhân tiêu biểu như thầy giáo Phạm Tiến Triều, Quách Thị Khánh, giáo viên Trường THCS-THPT Như Thanh; cô giáo Lương Thị Loan, giáo viên Trường THCS Xuân Phúc; cô giáo Bùi Thị Thảo là những giáo viên tâm huyết với nghề và có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục...

Tiêu biểu trong doanh nhân DTTS có ông Quách Văn Long, là người dân tộc Mường, thành lập Công ty TNHH Kinh doanh, dịch vụ Quách Gia, chế biến các mặt hàng ẩm thực dân tộc phục vụ khách du lịch, thu hút hàng chục lao động có việc làm ổn định; ông Hà Văn Lực, dân tộc Thái ở thôn 8, xã Cán Khê đã đầu tư mở công ty kiến trúc và xây dựng tạo việc làm cho hơn 50 lao động người địa phương có việc làm ổn định...

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân đã và đang được cộng đồng các dân tộc huyện Như Thanh đánh giá cao và trân trọng ghi nhận. Nhiều cá nhân tiêu biểu được các cấp, các ngành, huyện tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong giai đoạn 2021-2023.

Tiếp tục là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào DTTS

Qua 2 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023, huyện Như Thanh đã triển khai và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đầy đủ, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực chỉ đạo rà soát, bình chọn và bổ sung danh sách người có uy tín theo hướng dẫn, tạo điều kiện để cá nhân là người DTTS thành lập các doanh nghiệp, giáo viên, bác sĩ... có chuyên môn, tay nghề cao để phục vụ cho con em và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, thông qua việc tổ chức thực hiện các nội dung chính sách đã lồng ghép để tuyên truyền về chính sách và vai trò của người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân. Cấp ủy, chính quyền các xã, thôn, bản đã quan tâm chăm lo và tranh thủ được tiếng nói của người có uy tín tại địa phương để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chương trình, dự án, hoạt động tổ chức tại địa phương.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh khẳng định: “Những năm qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giữ vững QP-AN trong vùng đồng bào DTTS nói riêng, huyện Như Thanh nói chung. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh nhiệm kỳ 2020-2025, qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện còn 6,8%, phấn đấu hết năm 2023 giảm còn 3,9%. Để đạt được kết quả quan trọng, có đóng góp của đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS. Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Như Thanh đề ra phương hướng đó là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách biểu dương, khen thưởng đối với người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS; xây dựng lực lượng người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân có phẩm chất tốt, ảnh hưởng lớn, sức khỏe, tâm huyết, trách nhiệm, là cầu nối đắc lực giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào vùng DTTS”.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS, huyện Như Thanh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đó là: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng đối với đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về vai trò của người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Duy trì gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với người có uy tín; duy trì gặp gỡ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trong đó nhiều bí thư, chi bộ cũng là người có uy tín. Tăng cường hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới, nâng cao kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân cho người có uy tín. Phối hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS; các phòng, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để chăm lo cho đồng bào DTTS; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các thôn trong tổ chức thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để không tạo các điểm nóng, bức xúc của bà con. Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm để nâng cao nhận thức về chính trị - xã hội, kiến thức thực tế; nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ người có uy tín, các nhân sĩ, trí thức và doanh nhân vùng DTTS.

N.H