Nhân lên truyền thống sống "tốt đời, đẹp đạo"

(Mặt trận) -Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tôn giáo tỉnh Vĩnh Long đã và đang nhân lên truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đó là những dấu ấn đậm nét trong thi đua lao động sản xuất, các hoạt động từ thiện, nhân ái, an sinh xã hội, xây dựng NTM... góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Thi đua yêu nước

Những năm qua, đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long luôn giữ vững và phát huy phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa xã hội.

 Các tôn giáo tỉnh Vĩnh Long tích cực đồng hành cùng chính quyền địa phương, MTTQ thực hiện an sinh xã hội.

Thượng tọa Thích Lệ Lạc- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, cho biết, với tư cách là thành viên của MTTQ, Ban Trị sự cùng tăng ni, phật tử tỉnh Vĩnh Long luôn gắn liền với các hoạt động vì quê hương giàu đẹp, nhân dân an lạc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đúng theo phương châm “đạo pháp- dân tộc- chủ nghĩa xã hội”.

Theo đó, thường xuyên vận động tăng ni, phật tử thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ tỉnh Vĩnh Long phát động và tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Niềm vui lan tỏa trên khuôn mặt hào hứng của người dân đến buổi trao quà do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức gần đây.

Ngồi trên chiếc xe lăn mới cùng phần quà nhu yếu phẩm, Ông Cao Huỳnh Chí Dũng (Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn khi được các sư tặng xe lăn”.

Đi lại vô cùng khó khăn khi chẳng may bị sốt bại liệt vào năm 3 tuổi, chiếc xe lăn đã mang đến niềm vui, là phần quà ý nghĩa thiết thực với ông Dũng.

Còn đối với em Nguyễn Ngọc Diễm Trang (Trường THCS Chánh An, huyện Mang Thít), năm học mới sắp đến càng thêm vui và hào hứng khi em vừa được tặng chiếc xe đạp mới.

Em Trang vui vẻ nói: “Trước giờ đi học thì em có giang bạn hoặc đi bộ đến trường. Nay có chiếc xe đạp này, em sẽ cố gắng học giỏi để bày tỏ lòng biết ơn đến với các nhà hảo tâm”.

Phó Giảng sư Huỳnh Kim Quang nhấn mạnh, tiếp nối con đường hành đạo, hành thiện, bên cạnh công tác Phật sự, tín đồ Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam còn thực hiện trách nhiệm xã hội của một công dân, chăm lo sức khỏe ban đầu cho đồng bào.

Trong 5 năm qua, các phòng thuốc Nam của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đã chẩn bệnh, kê toa thuốc mỗi ngày cho tổng số hơn 546.000 lượt bệnh nhân, phát ra hơn 3 triệu thang thuốc, “giúp đỡ cho người bớt khổ thêm vui, trên tinh thần bác ái của đạo Phật”.

Theo ông Trần Thanh Lâm- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho biết: bên cạnh việc tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia “bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” được đồng bào tôn giáo hưởng ứng tích cực như thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự; dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp…

Đơn cử, hưởng ứng các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng giáo xứ sáng- xanh- sạch- đẹp, tại họ đạo Nhơn Phú (Mang Thít), họ đạo Cái Tôm và họ đạo Mai Phốp (Vũng Liêm), họ đạo Bình Minh (TX Bình Minh)… bà con giáo dân cùng với linh mục chánh sở và chính quyền địa phương không ngừng nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa và cải thiện môi trường.

Đồng hành cùng tỉnh nhà

Những việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực trên các lĩnh vực đã thể hiện tinh thần từ thiện bác ái “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, khẳng định đồng bào Công giáo luôn gắn bó đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Linh mục Giuse Lưu Văn Minh cho biết: “Nhìn lại chặng đường 5 năm hưởng ứng, thực hiện các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng bào Công giáo tỉnh đã phần nào đóng góp chung vào các thành quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà. Những việc làm thiết thực này đã thể hiện tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Năm- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh Vĩnh Long, PGHH luôn đồng hành với MTTQ và các đoàn thể thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Các việc làm từ thiện xã hội được thể hiện qua nhiều hoạt động như: xây nhà tình thương, tu sửa cầu đường, xe chuyển bệnh từ thiện,…

Tổng giá trị phúc lợi xã hội của PGHH tỉnh Vĩnh Long trong 6 tháng qua đạt trên 20 tỷ đồng. “Thời gian tới, PGHH tỉnh tiếp tục hoạt động đúng giáo lý, giáo luật, hiến chương phù hợp với pháp luật; hướng dẫn đồng bào có đạo tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động; đồng thời cùng với các cấp chính quyền chăm lo người nghèo, thực hiện công tác từ thiện xã hội ở địa phương”- ông Nguyễn Văn Năm nhấn mạnh.

Thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, các ngành luôn quan tâm và tạo điều kiện để đồng bào có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật; tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời mong rằng các tôn giáo tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết- hòa hợp, với đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc” tích cực vận động tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, chung sức, chung lòng tham gia cùng với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, đô thị văn minh; tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

TUYẾT NGA