Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang: Nói dân nghe, làm dân tin

(Mặt trận) -Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự góp sức của họ, diện mạo nhiều vùng quê ngày một khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đại diện Chi bộ tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) cùng người có uy tín gặp gỡ, nắm tình hình trong nhân dân.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 522 người có uy tín trong đồng bào DTTS được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên. Đội ngũ này đã có những đóng góp quan trọng, là cầu nối gắn kết giữa chính quyền các cấp với nhân dân trong xây dựng NTM ở địa phương. 

Họ không chỉ là "hạt nhân” tập hợp, đoàn kết nhân dân mà còn trực tiếp góp phần vào sự ổn định, phát triển của vùng sâu, vùng xa, miền núi. 5 năm qua, người có uy tín trong tỉnh đã tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung tay xây dựng NTM; trực tiếp vận động hơn 4 nghìn hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng, cứng hóa các tuyến đường. Nhờ đó góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Năm 2012, ông Nông Minh Hiên ở bản Tam Kha, xã Xuân Lương (Yên Thế) được nhân dân trong bản tin tưởng bầu là người có uy tín. Là cán bộ nghỉ hưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản, ông nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công cuộc xây dựng NTM tại bản miền núi nhiều khó khăn này. Tiên phong thực hiện, ông đã tự nguyện hiến 460 m2 đất của gia đình để làm nhà văn hóa. 

Vì vậy, khi ông Hiên cùng Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận đến vận động, các hộ đã nhanh chóng đồng ý hiến 1.450 m2 đất để làm nhà văn hóa và đóng góp 125 triệu đồng tiền đối ứng xây dựng công trình. Khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về hỗ trợ những xã đặc biệt khó khăn làm đường bê tông, ông đã đề xuất với chi bộ và các hộ dân tranh thủ cơ hội tập trung làm đường. Năm 2019, bản Tam Kha đã hoàn thành 100% đường bê tông với chiều dài 3 km, nhân dân đối ứng 600 triệu đồng.

Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 257 nghìn người DTTS, chiếm 14,26% dân số. Trong đó có 522 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.

Thôn Đồng Cống, xã Đông Hưng (Lục Nam) là thôn miền núi, địa bàn rộng với 223 hộ, hơn 1,1 nghìn nhân khẩu, giao thông khó khăn. Thôn có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là Sán Dìu, Hoa, Kinh. Trước đây, đường vào thôn nhỏ hẹp, rất khó đi. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân trong thôn đã tích cực tham gia xây dựng NTM. Mặc dù vậy, vẫn có một số hộ chưa hưởng ứng. Phát huy vai trò người có uy tín, ông Chu Văn Bảo đã cùng cấp ủy, Chi bộ thôn bàn bạc, phân công cán bộ đến từng hộ tuyên truyền, đặc biệt là những gia đình chưa đồng thuận để giải thích, phân tích cho bà con hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích người dân khi xây dựng NTM.

Để tháo gỡ những khúc mắc, ông Bảo dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu, chế độ chính sách xây dựng NTM. Đồng thời, ông tích cực gặp gỡ bà con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. “Mưa dầm thấm lâu”, nhân dân đã hiểu, đồng tình ủng hộ, tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Bà con thôn Đồng Cống đã chặt gần 100 cây ăn quả để mở rộng đường, xây 500 m mương dẫn nước tưới tiêu, dọn dẹp mặt bằng phục vụ thi công dự án đường tỉnh 298B và góp gần 100 triệu đồng đối ứng làm đường bê tông liên thôn dài 1 km, rộng 4 m.

Cũng như ông Bảo, những năm qua, bà Tăng Thị Sửu ở thôn Xé Mòng, xã Sa Lý (Lục Ngạn) luôn thể hiện tốt vai trò là người đại diện cho nhân dân, cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền. Trước đây, đời sống khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu tồn tại đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh tế của bà con. 

Để xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, bà Tăng Thị Sửu cùng đại diện các đoàn thể chính trị thôn đã kiên trì vận động các hộ từng bước thay đổi tư duy, nhận thức. Mỗi khi trong thôn có người qua đời, bà đều có mặt như người thân, họ hàng giúp thu xếp, lo hậu sự. Cùng đó, phân tích những tác hại của việc để thi thể lâu ngày. Người dân trong thôn từ đó nghe theo. 

Giờ đây, việc tang trong thôn tổ chức đơn giản, thay vì thuê kèn trống tốn kém, các chủ hộ chỉ mở nhạc bằng băng đĩa, giới thiệu các đoàn đến thăm viếng, giúp giảm đáng kể chi phí. Đám tang diễn ra nhanh gọn, không quá 48 giờ, không ăn uống linh đình. 

Thực tế cho thấy, người có uy tín đóng vai trò lớn giúp thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những việc làm của họ đã tạo sức lan toả trong cộng đồng, mang đến nhiều đổi thay ở vùng khó khăn. 

Theo ông Trần Kế Vương, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Dân tộc (Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang), hằng năm, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách, định kỳ gặp mặt để động viên người có uy tín nêu gương trong cộng đồng. Từ đó khích lệ họ chung tay, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngọc Anh