Người uy tín tỉnh Cao Bằng - “Điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Là những người được tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, thời gian qua, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Bà Triệu Thị Trang, dân tộc Dao, người có uy tín ở huyện Hà Quảng (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có gần 1.500 NCUT thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, đảm nhận các cương vị khác nhau trong xã hội như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi, nhà giáo, bác sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân, thầy thuốc... Nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, NCUT luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều NCUT tham gia ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, cộng đồng.

Bằng uy tín của mình, NCUT tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ, xóm, bản; tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng quốc phòng toàn dân; vận động đồng bào chống lại các luận điệu phao tin đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái với quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng xóm, bản, khu dân cư.

Trong phát triển kinh tế, NCUT vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, ổn định đời sống. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập bình quân đạt từ 50 - 500 triệu đồng/năm. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, NCUT tiên phong hiến đất và vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh.

Là NCUT từ năm 2015, ông Chu Văn Bảo, xã Cách Linh (Quảng Hòa) luôn được bà con trong xóm quý trọng. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách..., vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường bê tông nội thôn. Ông Bảo còn là trung tâm đoàn kết ở cộng đồng khi tham gia Tổ hòa giải và đã hòa giải thành hàng chục vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở… Ông còn là tấm gương phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng cây ăn quả thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

NCUT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động dòng họ, người dân xóm, bản không di cư tự do; tích cực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Nhiều NCUT tích cực phối hợp với các tổ chức cơ sở xây dựng hương ước, quy ước xóm, bản phù hợp theo các chuẩn mực văn hóa, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng lưu giữ và phát triển.

Bà Triệu Thị Trang, NCUT nhiều năm nay ở xã Lương Thông (Hà Quảng) chia sẻ: Nhận thấy cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở xóm còn nhiều khó khăn, tôi cùng chính quyền kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Để đồng bào tin tưởng, tôi đi đầu trong phát triển kinh tế chăn nuôi, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, vận động các hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, giữ gìn vệ sinh làng xóm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Ông Chi Viết Hải, NCUT tiêu biểu xóm vùng cao Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), nơi có 100% đồng bào là người Lô Lô đen sinh sống. Bằng uy tín của mình, ông Hải tuyên truyền, vận động đồng bào Lô Lô đen chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Để người dân nghe và làm theo, ông Hải tiên phong hiến 900 m2 đất của gia đình xây dựng nhà văn hóa xóm. Ông đến từng nhà vận động các hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, xây dựng homestay thu hút khách du lịch đến địa phương.

Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, NCUT trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều NCUT tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, nhất là công tác hòa giải và đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết… Họ thực sự là “điểm tựa” đáng tin cậy, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

D.H