Người uy tín kết nối ý Đảng lòng Dân

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là một lực lượng quần chúng đặc biệt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện để người uy tín phát huy được năng lực của mình và tạo sức lan tỏa rộng lớn trong nhân dân.

 Người uy tín tỉnh Sóc Trăng làm công tác tuyên truyền trong cộng đồng.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 612 vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là trưởng ấp, khóm, có người là cán bộ, trí thức; nhiều người có uy tín là chức sắc tôn giáo. Mỗi người có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Do đó, những người uy tín đều có thế mạnh riêng của mình trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa bàn cơ sở; cảm hóa, giáo dục phần tử xấu, tiêu cực, chậm tiến trong xã hội...

Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã gương mẫu thực hiện, tích cực tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với quần chúng nhân dân.

Theo ông Lâm Dũng Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua nhiều người uy tín đã không ngại khó, ngại khổ trực tiếp đến từng hộ gia đình trong khóm, ấp để tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng như thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, nhiều người uy tín còn phát huy thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế bằng những việc làm cụ thể như tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn các gia đình thực hiện nhiều phương thức sản xuất kinh doanh hiệu quả... Ngoài ra, nhiều người có uy tín còn tích cực vận động nhân dân đoàn kết, xây dựng đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển.

Điển hình là ông Lâm Onl ở ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành. Với vai trò của mình, ông không những tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo, tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, xã hội mà còn gương mẫu trong tham gia đóng góp, vận động xã hội hóa xây dựng cầu và đường giao thông nông thôn. Việc làm của ông đã góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới.

“Người uy tín của tỉnh Sóc Trăng còn là “cầu nối”, đưa thông tin hai chiều để cấp ủy, chính quyền nắm được tình hình ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát”. Trong nhiều cuộc họp, người uy ín đã có những ý kiến quan trọng để địa phương định hướng, tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với tình hình phát triển cũng như để các cấp chính quyền làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Không dừng lại ở đó, những người có uy tín còn phối hợp với chính quyền địa phương, giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp; góp phần cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, bằng uy tín của mình, người có uy tín đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch vững mạnh” - ông Liêm chia sẻ.

Một trong những địa phương phát huy tốt vai trò người uy tín đó là huyện Trần Đề. Ông Trần Hồng Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trần Đề cho biết, toàn huyện hiện có 45 vị là người có uy tín cấp huyện, trong đó dân tộc Kinh 7 vị, Khmer 29 vị và người Hoa 9 vị. Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Trần Đề đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo… Qua những việc làm thiết thực và ý nghĩa đó, huyện Trần Đề đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ thành công trong việc phát huy vai trò người uy tín tại cơ sở, ông Huỳnh Minh Thuận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của người uy tín, những năm qua xã Lịch Hội Thượng đã tích cực phối hợp với người uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng đi vào đời sống. Để làm được điều đó, tại những cuộc họp ở khóm, ấp những người uy tín đều được nêu ý kiến, được bày tỏ quan điểm trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tại cộng đồng dân cư.

“Trong thời gian tới, MTTQ xã phối hợp để thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có uy tín, đồng thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để các vị hoạt động, phát huy tốt vai trò của mình” - ông Thuận nói.

Ông Lâm Dũng Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng mong muốn, trong thời gian tới người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đồng thời đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ để người có uy tín trở thành những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc. Những việc làm đó sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 35% số dân của tỉnh Sóc Trăng, gồm 19 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 30%. Với uy tín cá nhân và những việc làm cụ thể, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng đã và đang thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương...

PHƯƠNG NGUYÊN