Người uy tín huyện Phong Thổ “Cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân

(Mặt trận) -Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phòng, chống dịch Covid-19; tham gia hòa giải mâu thuẫn ở cơ sở; gương mẫu, tiên phong phát triển kinh tế - là những giải pháp người có uy tín huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai thực hiện thời gian qua. Nhờ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của huyện biên giới.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Ông Nhị (áo trắng) - người có uy tín bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) tuyên truyền người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù tỉnh Lai Châu đang thuộc “vùng xanh” so với các tỉnh, thành trong cả nước về phòng, chống dịch Covid-19; thế nhưng, những ngày này, ông Bùi Văn Hợi (61 tuổi) - người có uy tín tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong tổ thực hiện tốt biện pháp 5K phòng, chống dịch. Ông Hợi chia sẻ: Chúng tôi tuyên truyền hàng ngày trên loa, rồi tuyên truyền trực tiếp tại cuộc họp bản và các hội nghị tiếp xúc cử tri. Gặp ai không đeo khẩu trang hay tụ tập đông người là tôi nhắc luôn.

Được biết, 5 năm trong vai trò này, ông Hợi không thể nhớ hết mình đã tuyên truyền được bao nhiêu lần, mà chỉ nhớ rằng hầu hết các cuộc họp, hội nghị nào ông đều có mặt. Có những vụ việc mâu thuẫn hay vấn đề ở cơ sở tưởng chừng khó giải quyết; khi có sự vào cuộc của ông thì mọi việc “thuận buồm xuôi gió”.

Ông Hợi tâm sự: Khi là người có uy tín của tổ, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm. Ví dụ như tháng 6 vừa qua, ở tổ có 2 hộ là người dân tộc Thái nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất. Tôi cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thị trấn trực tiếp xuống vận động 2 hộ di chuyển đến nơi an toàn. Lúc đầu, 2 hộ nhất định không chịu di dời vì có hộ đang trong thời gian xây dựng nhà kiên cố, trước mắt họ chưa nhận thấy có vấn đề gì xảy ra. Mặt khác, di chuyển đến nơi khác, họ phải lo toan thêm nhiều thứ, mọi chi phí sẽ phát sinh; trong khi đó 2 hộ không thuộc hộ khá giả. Tôi và các đoàn thể xuống tận gia đình tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về sự biến đổi của khí hậu nhằm tác động tới tâm lý của bà con. Sau hơn 1 tháng kiên trì vận động, 2 hộ nhất trí di chuyển đến nơi ở an toàn. Tôi cũng vận động Nhân dân trong tổ góp tiền, giúp đỡ 2 hộ ngày công vận chuyển đồ đạc. Qua 5 năm thực hiện công việc, tôi đúc kết: “Đã là người uy tín thì mình phải uy tín”. Nói đi đôi với làm, bản thân là tấm gương trong các phong trào thi đua.

Huyện Phong Thổ có 171 người có uy tín. Những năm qua, phát huy vai trò, người có uy tín trong huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vận động người dân tham gia các phong trào, cuộc vận động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… thông qua nhiều hoạt động, việc làm cụ thể như: hiến đất, góp công, góp của, xây dựng gia đình hạnh phúc, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng quy ước trong thôn bản.

Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín tích cực gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trong vai trò là nghệ nhân, người am hiểu, sưu tầm và truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống… cho thế hệ sau. Chủ động đóng góp các ý kiến thiết thực, xác đáng, phù hợp thực tiễn ở địa phương, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, người có uy tín trong huyện luôn cần cù, chịu khó, ham học hỏi; tiên phong xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao.

Điển hình như ông Lý A Nhị - người có uy tín ở bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho). Năm nay gần 70 tuổi, ông cùng vợ hàng ngày vẫn chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo đời sống. Những bao ngô vàng óng chất đầy hiên nhà là thành quả của vợ chồng già. Ồng Nhị cười rồi chia sẻ với chúng tôi: Ông bà còn sức thì tiếp tục làm thôi, không muốn phụ thuộc vào con. Bây giờ già rồi, vợ chồng tôi làm ít thôi. Mỗi năm trồng 5.000 m2 ngô, 3 sào khoai sọ; chăm sóc 300 cây cao su, hơn 1ha chuối. Hiện nay, cao su đã cho thu hoạch mủ, hàng ngày tôi tranh thủ chút thời gian đi lên vườn cạo mủ. Năm nay chuối bị sâu bệnh nên tôi phá đi, tới đây dự định sẽ trồng thay thế cây mía. Bình quân một năm, thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 70 triệu đồng.

Với sức khỏe và độ tuổi như vợ chồng ông Nhị, làm ra số tiền đó quả không dễ dàng chút nào. Được chứng kiến và nghe chuyện, chúng tôi rất khâm phục tinh thần của ông Nhị về sự nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế để làm gương cho con cháu, người dân trong bản noi theo.

Đồng chí Vương Biên Thùy - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phong Thổ cho biết: Để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, hàng năm, phòng phối hợp với các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn của huyện thực hiện đầy đủ các chính sách cho người có uy tín về chế độ thông tin thông qua việc cấp phát sách, báo; tặng quà nhân dịp lễ, tết Nguyên đán, thăm hỏi lúc ốm đau. Ngoài ra, phòng tạo điều kiện cho người có uy tín được đi tham quan học tập kinh nghiệm ở trong, ngoài tỉnh; tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ tuyên truyền, vận động ở địa phương theo chương trình, kế hoạch của Ban Dân tộc tỉnh và một số chương trình của các đơn vị có liên quan.

Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ, người có uy tín huyện Phong Thổ vẫn còn gặp một số khó khăn, như: chế độ chính sách còn thấp; tuổi cao, chưa kịp cập nhật công nghệ 4.0 dẫn đến khó tiếp cận, thuyết phục thế hệ trẻ… Hy vọng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở sẽ có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.r

ĐĐ - MQ