Người phụ nữ Chăm tích cực hoạt động phong trào

(Mặt trận) -Chị Sou A Tah, dân tộc Chăm (ngụ tại ấp 4, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) là điển hình phụ nữ đồng bào dân tộc vừa sản xuất kinh doanh giỏi vừa tích cực làm thiện nguyện. Với chị Sou A Tah, có điều kiện để giúp đỡ mọi người, nhất là bà con đồng bào, là niềm hạnh phúc lớn.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Chị Sou A Tah chăm sóc vườn thanh long của gia đình tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: Ly Na

Từ năm 2017 đến nay, chị Sou A Tah nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen trong thực hiện các phong trào tại địa phương.

* Nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

Gia đình chị Sou A Tah từ miền Tây đến Đồng Nai lập nghiệp từ trước năm 1975. Suốt nhiều năm liền, gia đình gắn bó với nghề trồng lúa, bắp nên đời sống gia đình chỉ đủ ăn. Sau này, nhờ được đại diện đồng bào Chăm ở địa phương đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở miền Tây, tham gia các lớp tập huấn của huyện, của tỉnh, chị đã thành công với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Chị kể, sau chuyến đi miền Tây và qua tìm hiểu kinh nghiệm các mô hình sản xuất của một số hộ trong vùng, chị dần dần tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào khâu trồng và chăm sóc cây ăn quả. Chị bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là có màu sắc đẹp.

“Những năm 2017-2020, thanh long có giá, gia đình tôi làm ăn có lãi nên đã mở rộng diện tích cây trồng. Tôi cùng với một số bà con đứng ra thành lập HTX Thương mại dịch vụ thanh long Làng Chăm với mục đích là hỗ trợ cộng đồng người Chăm cách trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ và kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, nguồn thu nhập trong gia đình dần ổn định, trung bình mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng. Tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho con ăn học đàng hoàng. Đời sống vật chất và tinh thần của gia đình ngày một nâng cao” - chị Sou A Tah chia sẻ.

Theo chị Sou A Tah, để có được như ngày nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân chị, còn có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đặc biệt là Hội LHPN xã Xuân Hưng. Tham gia tổ chức Hội, chị được tiếp cận nhiều kiến thức khoa học, học tập các mô hình phụ nữ sản xuất, làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Các hoạt động đó đã động viên, khích lệ chị cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, hỗ trợ, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn.

* Tích cực tham gia hoạt động phong trào

Những năm qua, chị Sou A Tah còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nhất là hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Chẳng hạn như: hiến đất và đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ vốn cho chị em phụ nữ khó khăn khởi nghiệp. Hằng năm, chị hỗ trợ cho Hội phụ nữ xã 5-10 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Vào tháng lễ Ramadan của đồng bào Chăm, chị phát hàng trăm phần quà gồm gạo, dầu ăn, bột ngọt cho các hộ gia đình khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chị ủng hộ gần 92 triệu đồng cho các hoạt động: dân vận, quà tết, phong trào toàn dân đoàn kết dân tộc…

Chị Sou A Tah kể, đợt giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, các loại cây ăn quả, rau… ở địa phương giá rẻ, không có người mua. Chị đã bỏ tiền ra mua của bà con rồi dùng xe tải của gia đình đi hỗ trợ, phát cho các khu cách ly, bệnh viện trong tỉnh và TP.HCM. Cũng trong đợt dịch này, chị mua thêm 21 tấn gạo, 200 thùng mì gói hỗ trợ tất cả các gia đình người dân tộc trong làng Chăm và một số hộ khó khăn trong xã. 

“Hiện nay, đời sống của đồng bào người Chăm ở xã Xuân Hưng đã khá hơn trước rất nhiều. Những người trẻ đi làm trong các công ty, xí nghiệp, người lớn tuổi hơn ở nhà làm nông, trồng cây ăn quả. 100% trẻ là con em đồng bào dân tộc đã đến trường. Người Chăm không còn những hủ tục lạc hậu, không sống khép kín như trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình không có đất sản xuất, có người bị bệnh hiểm nghèo nên đời sống vẫn còn khó khăn. Mỗi năm tôi đều cố gắng “trích quỹ” của gia đình để làm thiện nguyện” - chị Sou A Tah bộc bạch.

Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Hưng Trần Tuyết Sương cho biết: “Chị Sou A Tah là điển hình phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương và tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Chị thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội và vận động các chị em phụ nữ khác chấp hành đúng mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm liền gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa”.

Từ năm 2017 đến nay, chị Sou A Tah nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, giấy khen của huyện và xã. Trong đó có bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Người tốt, việc tốt năm 2020 của UBND tỉnh; bằng khen điển hình phụ nữ tiêu biểu trong hoạt động phát triển kinh tế, khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2018; giấy khen cá nhân tích cực và có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019 của UBND H.Xuân Lộc; giấy khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của UBND H.Xuân Lộc năm 2022…

Ly Na