Người Pà Thẻn ơn Đảng

(Mặt trận) -Tuyên Quang hiện có 196 hộ dân là dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung tại các xã đặc biệt khó khăn như: Hồng Quang (Lâm Bình), Linh Phú (Chiêm Hóa), Kiến Thiết và Trung Sơn (Yên Sơn)… Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hiệu quả Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31-10- 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

Ước mơ thành hiện thực

“Bao nhiêu năm qua, sống trên tuyến đường đất lầy lội mỗi khi mưa, bụi mỗi khi nắng, người Pà Thẻn chúng tôi khát khao có con đường đẹp để trẻ con đến trường thuận lợi, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế thoát nghèo. Giờ có đường đẹp rồi. Người Pà Thẻn chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước lắm!” - Ông Đặng Văn Hành, dân tộc Pà Thẻn, thôn Nà Luông xã Linh Phú (Chiêm Hóa) phấn khởi nói.

Tuyến đường từ ngã ba Pác Hóp đi thôn Nà Luông được trải nhựa vừa bàn giao trong tháng 10-2021. Dọc tuyến đường có khoảng 190 hộ dân thuộc các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn sinh sống. Trong đó, người dân Pà Thẻn có 20 hộ.

Chung niềm vui với người Pà Thẻn ở Linh Phú là 115 hộ người Pà Thẻn của thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Tuyến đường từ UBND xã Hồng Quang đi thôn Thượng Minh giờ bằng phẳng, to rộng thay thế con đường đất xưa kia.

Đây là 2 tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn theo Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 của Chính phủ. Mỗi tuyến đường có chiều dài 2,3 km; bề rộng đường 6,5 km, mặt đường rộng 3,5 m, tổng trị giá hon 10 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Mong ước tuyến đường sạch đã thành hiện thực sẽ trở thành động lực để đồng bào Pà Thẻn bứt phá, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

 Tuyến đường được đầu tư theo Quyết định 2086 từ UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình) đi thôn Thượng Minh giúp cho 115 hộ dân Pà Thẻn được hưởng lợi.

Điểm tựa vững chắc

Ngoài 2 tuyến đường đã được bàn giao, sử dụng, “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Qua đó, tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào.

Từ năm 2018 đến nay, Ban Dân tộc  tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện triển khai rà soát đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ gần 5,6 tỷ đồng để nhân dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, đào tạo cán bộ...

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) có 115 hộ đồng bào Pà Thẻn, đông nhất so với các địa bàn khác. Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang khẳng định, nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định 2086 đã đầu tư gần 2,7 tỷ đồng, gần 440 lượt hộ dân Pà Thẻn được hưởng. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ về phát triển sản xuất, đồng bào Pà Thẻn được “tiếp sức” để duy  trì 3 tổ hợp tác sản xuất và hàng trăm hộ được hỗ trợ con giống, kỹ thuật để phát triển đàn trâu, bò, lợn đen sinh sản, dê địa phương, cá chép, gia súc, gia cầm. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ, UBND xã đã mở 3 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thầy cúng trong nghi Lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn với 40 học viên.

Tại xã Linh Phú (Chiêm Hóa), cuộc sống của đồng bảo Pà Thẻn dần được khởi sắc nhờ các chương trình hỗ trợ từ Đề án. Năm 2019, gia đình anh Triệu Văn Tực, thôn Khuổi Hóp được hỗ trợ 1 con bò thịt. Anh bán lãi được 7 triệu đồng. Năm 2020, từ số tiền này anh đầu tư nuôi 2 con lợn nái đen. Tiếp đó, anh nhân được 4 lợn nái đen; bán được 3 lứa lợn con, thu được 60 triệu đồng. Hiện nay, anh đang nuôi 8 con lợn đen thương phẩm để bán dịp Tết Nguyên đán 2022, dự kiến thu được từ 40 - 50 triệu đồng. Gia đình anh được công nhận thoát nghèo trong năm 2019.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, giúp đồng bào dân tộc Pà Thẻn thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ những hủ tục, nâng cao chất lượng dân số, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi Tuyên Quang.   

Minh Huệ