Người Công giáo Nghĩa Hưng trong phong trào thi đua yêu nước

(Mặt trận) -Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có 49,5% đồng bào theo đạo Công giáo với 43 giáo xứ và 90 giáo họ. Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong huyện được triển khai sâu rộng, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Làng quê xóm 9, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đồng chí Nguyễn Văn Định, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Nghĩa Hưng cho biết: Đồng hành với Giáo hội Công giáo, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó, phối hợp, tạo điều kiện để Giáo hội và bà con giáo dân hoạt động, công tác, lao động, sản xuất theo giáo lý, giáo luật và quy định của Nhà nước; tích cực vận động bà con giáo dân hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động. Đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tương thân, tương ái để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động đều được bà con giáo dân đồng tình, hưởng ứng, ngày càng đem lại hiệu quả rõ rệt. 

Hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình Công giáo đã mạnh dạn đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo nên các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định đời sống gia đình và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tiêu biểu như gia đình anh Trần Đức Lương, giáo xứ Đài Môn, xã Nghĩa Phú, tổ trưởng tổ hợp kim xây dựng kiến thiết cơ bản với 15 công nhân, bảo đảm mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Ông Lâm Như Thiệu, giáo dân họ Đò Mười, xứ Quần Liêu xây dựng nhà máy gạch tuynel thu hút hơn 100 công nhân làm việc, tiền lương công nhân mỗi tháng từ 5 đến 7 triệu đồng. Bà con ngư dân thuộc giáo xứ Quần Vinh xã Phúc Thắng, giáo xứ Nghĩa Dục xã Nghĩa Hải vào tổ hợp vay vốn Nhà nước đóng gần 100 đôi tàu đánh bắt cá xa bờ, hàng năm mỗi ngư dân thu về cho gia đình hàng tỷ đồng. Gia đình bà Đoàn Thị Rịu, giáo dân xứ Lạc Hồng xã Nghĩa Phong trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi, mỗi năm trừ chi phí cho thu 14 tỷ đồng. Ông Đinh Văn Đảm, trùm chánh xứ Phương Lạc xã Nghĩa Bình xây lò sấy lúa, mở đại lý vật tư nông nghiệp, mỗi năm thu lời từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng… Từ những mô hình điển hình đó, đã lan tỏa và góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con giáo dân, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng. 

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, đồng bào Công giáo Nghĩa Hưng tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong đó, đồng bào Công giáo huyện đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công lao động, hàng nghìn mét vuông đất. Ở những xã được chọn làm điểm xây dựng NTM đều là những nơi có đông đồng bào Công giáo như các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lạc và Phúc Thắng. Quá trình thực hiện đã có nhiều chức sắc, giáo dân gương mẫu, tích cực tham gia ủng hộ như: Ông trùm Trần Văn Đĩnh, xứ Lạc Đạo xã Nghĩa Lạc vận động con cháu trong gia đình hiến 200m2 đất mở rộng đường giao thông, 20 hộ giáo, giáo họ Thiên Hương giáo xứ Quỹ Nhất thị trấn Quỹ Nhất đã hiến 1.000m2 đất mở rộng đường giao thông. Ngoài ra, các chức sắc, chức việc cũng tích cực vận động các gia đình giáo dân tháo dỡ hàng rào, thu hoạch hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh để hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa và các cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo cùng với các tầng lớp nhân dân đã tích cực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế cùng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, bác ái. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã được đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng. Nhiều giáo xứ, giáo họ đã xây dựng được quỹ khuyến học để trao thưởng cho các học sinh, trẻ em nghèo vượt khó trong các ngày lễ, dịp hè, khai giảng năm học mới và Tết Trung thu, trong đó có một xứ họ xây dựng được quỹ khuyến học với số dư đạt trên 100 triệu đồng. Hiện nay, tỷ lệ học sinh là người Công giáo thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Các hoạt động từ thiện, bác ái do chính quyền, MTTQ và Ban đoàn kết Công giáo phát động được đồng bào Công giáo trên khắp các xứ họ trong huyện tích cực hưởng ứng và chủ động tham gia như: ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ biển, đảo quê hương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xứ đạo bình yên được giáo dân tích cực hưởng ứng. Bà con giáo dân luôn thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chức sắc, chức việc luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, động viên bà con giáo dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Thành viên xung kích giữ gìn an toàn, trật tự xã hội”, “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”, góp phần giải quyết mâu thuẫn, hạn chế các vụ việc, bảo đảm an ninh trật tự ngay tại cộng đồng dân cư…

Phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo huyện Nghĩa Hưng đã và đang lan tỏa mạnh mẽ nơi các xứ đạo và bà con giáo dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương Nghĩa Hưng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./. 

Nguyễn Thanh