Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang: Khẳng định vai trò trong bảo vệ biên cương Tổ quốc

(Mặt trận) -Đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang được ví như “cây đại thụ” của bản làng, “cột mốc sống” nơi biên thùy. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, NCUT đã đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi tuyến đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Hầu Thìn Páo cùng cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Minh Tân kiểm tra cột mốc quốc giới

Khi trời vừa rạng sáng, ông Hầu Thìn Páo (sinh năm 1964) – NCUT của thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) lại hăng hái lên đường, cùng cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Minh Tân làm nhiệm vụ cao cả: Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới. Đều đặn 4 lần/tháng, suốt 25 năm qua, cung đường biên giới dài gần 5 km với 7 cột mốc đã in đậm dấu chân ông. Bất kể ngày nắng, mưa, trời Đông buốt giá hay Hè nắng oi ả cũng không ngăn được bước chân tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới của ông. Hành trang đơn sơ chỉ với con dao quắm để phát quang đường tuần tra và xung quanh cột mốc quốc giới nhưng với ông, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn chứa đựng niềm tự hào dân tộc. Bởi việc bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới chính là bảo vệ đất đai, bờ cõi ngàn đời của Tổ tiên, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia. An ninh biên giới được giữ vững đồng nghĩa với việc mình đã góp một phần công sức tô đẹp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung, ông Páo chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Hồng Việt, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Minh Tân dành lời ngợi khen: Ông Páo không chỉ nêu gương sáng trong việc tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới mà còn tích cực vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư chung tay giữ gìn sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Trong các cuộc họp thôn, thậm chí “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ông Páo đã “dân vận khéo”, vận động bà con vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, bám bản để giữ đất biên cương; không vượt biên lao động trái phép, không buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, không trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, nhắc nhở các hộ dân trong quá trình lao động sản xuất chú ý quan sát, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường xảy ra tại khu vực đường biên, mốc quốc giới để báo cáo chính quyền địa phương, bộ đội Biên phòng xử lý... Những việc làm tuy bình dị nhưng mang ý nghĩa cao quý của ông Páo cũng chính là công việc thường xuyên của đội ngũ NCUT sinh sống ở khu vực biên giới. Ngày tháng đi qua, họ vẫn âm thầm góp sức cùng các cấp, ngành giữ gìn sự bình yên nơi miền biên viễn.

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 277 km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) với tổng số 442 mốc quốc giới. Địa bàn quản lý trải rộng 34 xã, thị trấn/223 thôn, bản nội địa, 123 thôn, bản giáp biên và chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, đồng bào Mông chiếm đại đa số (59,6%). Xác định tầm quan trọng đặc biệt của NCUT trong đồng bào DTTS, BĐBP tỉnh đã tích cực vận động NCUT ở các xã, thị trấn biên giới phát huy vai trò vận động cộng đồng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh có 346 NCUT. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, họ có vai trò quan trọng trong củng cố QP-AN ở cơ sở, giáo dục truyền thống, thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở thôn, bản, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Với nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, NCUT sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người xung quanh khi gặp khó khăn, hoạn nạn, động viên, khuyến khích gia đình, dòng họ tham gia phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của địa phương. Không những vậy, họ còn là người trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào, tích cực đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo của kẻ xấu ở cơ sở...

Thực tế chứng minh, NCUT đã phát huy tốt vai trò vận động gia đình, dòng họ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tích cực thực hiện các mô hình, phong trào của địa phương và BĐBP phát động như: “Tổ an ninh tự quản”, “Thanh niên làm chủ đường biên, cột mốc quốc giới”, “Thôn, xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”... Đến nay, toàn tỉnh có 856 gia đình và 107 tập thể tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; duy trì 346 tổ an ninh tự quản/346 thôn, bản của 34 xã, thị trấn biên giới. Đặc biệt, không chỉ tích cực, chủ động tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, trong những năm gần đây, đội ngũ NCUT đã trực tiếp tham gia giải quyết 153 vụ việc ở cơ sở, cung cấp cho BĐBP gần 250 tin có giá trị. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới vững mạnh.

Giờ đây, bên cạnh đường biên, cột mốc chủ quyền, những nếp nhà rộn vang tiếng cười, những cánh rừng, nương ngô, ruộng đậu tương xanh mướt một màu cứ thế vươn lên như minh chứng cho cuộc sống ngày thêm no ấm của đồng bào miền biên viễn. Và ở đó, đội ngũ NCUT vẫn cần mẫn vượt gian khó, phát triển kinh tế, giữ đất biên cương. Dù đa phần tuổi đời không còn trẻ nhưng sứ mệnh bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới đã trở thành dòng máu tươi đỏ chảy mãi trong tim họ. Thông qua những hành động cụ thể, việc làm thiết thực và bằng chính sự uy tín của mình, họ đã trở thành “cột mốc sống” chứng minh cho tinh thần trượng nghĩa: Ở đâu có biên giới, ở đó có dân bảo vệ.

THU PHƯƠNG