Người có uy tín tỉnh Yên Bái cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái có 870 người có uy tín trong đồng bào dân tộc: Tày, Mông, Dao, Thái, Mường, Nùng, Kinh, Cao Lan, Khơ Mú, Giáy. Trong đó có 128 già làng, 81 trưởng dòng họ, 51 trưởng thôn, bản, 166 cán bộ hưu trí, 6 chức sắc tôn giáo, 6 nhân sĩ, trí thức, 20 doanh nhân, người sản xuất giỏi, 2 nghệ nhân dân gian, còn lại là các thành phần khác.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên tham gia trò chơi kéo co trong Ngày hội Đại đoàn kết thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm và xây dựng nông thôn mới.

Ở các xã vùng cao của tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn tích cực phát huy vai trò vận động nhân dân, gia đình, dòng họ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc... Dần dần, họ trở thành "cây cầu” nối ý Đảng với lòng dân, khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo đó, trong những năm bùng nổ dịch bệnh Covid-19, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con thi đua hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; giải quyết ổn thỏa mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng đi lên. 

Ngoài phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, động viên con cháu, dòng họ, người dân sinh sống trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... qua các buổi sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con, cháu, vận động nhân dân trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Cụ thể, trong Phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia, nhiệt tình ủng hộ, hiến hàng ngàn mét vuông đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng 0,29% so với kế hoạch, cao nhất vùng trung du và miền núi Bắc bộ. 

Tiêu biểu như các ông: Lý Nhà Chảo, Sùng A Trừ, dân tộc Mông ở Mù Cang Chải phát triển kinh tế và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm; ông Triệu Tiến Bảo, dân tộc Dao ở huyện Văn Yên có  trên 10 ha quế, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng; ông Hoàng Đình Thăng, dân tộc Tày ở xã Đại Phác (Văn Yên) vận động đồng bào có đạo trong thôn, trong xã hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn; ông Dương Quốc Mong, dân tộc Tày ở huyện Lục Yên hiến 1.000m2 đất, phá bờ rào kiên cố để làm đường liên thôn; ông Cư A Phần, dân tộc Mông, xã Nà Hẩu (Văn Yên) hiến hơn 4.000m đất làm trường mầm non của xã... 

Thực tế cho thấy, những năm qua người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ vai trò nòng cốt trong việc tham gia ý kiến vào các bản quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như: không thách cưới, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, ốm đau đến cơ sở y tế khám và điều trị, không cúng bái, mê tín dị đoan, vận động con cháu không sinh con thứ 3... 

Nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Hạn Khuống, tết Xíp xí, lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái, lễ xuống đồng của dân tộc Tày... và truyền dạy con, cháu trong cộng đồng các nghề truyền thống như: dệt lanh thổ cẩm, nghề rèn đúc, chế biến các món ăn dân tộc. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, người có uy tín còn sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ các bài cúng và trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy cho các thế hệ con cháu. 

Để làm gương cho đồng bào các dân tộc trong thôn, bản cùng noi theo, các gia đình người có uy tín đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, cam kết dạy bảo con, cháu không mắc tệ nạn xã hội. Đặc biệt, những người có uy tín cao tuổi còn tích cực tham gia phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, nêu gương sáng trong việc tự học, tự rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động hội khuyến học, khuyến tài, tích cực vận động các gia đình có con cháu trong độ tuổi đi học đến trường. 

Điển hình như các ông: Phùng Văn Ló, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên); Sùng Nủ Ninh, xã Phình Hồ, Lò Văn È, thị trấn Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); ông Lý Chờ Khày, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải... đã vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới. Các ông Hoàng Tương Lai, xã Xuân Lai (Yên Bình); bà Hoàng Thị Hương, xã Phù Nham (Văn Chấn); ông Sùng Nhà Páo, xã Nà Hẩu (Văn Yên); ông Giàng Nhà Play, xã Chế Tạo (Mù Cang Chải); ông Giàng A Phử, xã An Lương (Văn Chấn)... đã tích cực vận động nhân dân giữ gìn, phát huy nét đẹp trong phong tục truyền thống "bắt vợ” của dân tộc Mông trên tinh thần tự nguyện, phù hợp tập tục, đúng quy định của pháp luật… 

Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo phần tử xấu kích động, tham gia các hoạt động chống phá chính quyền; vận động tín đồ trong các tôn giáo "sống tốt đời, đẹp đạo”; ngăn chặn hoạt động truyền đạo, phát triển đạo trái pháp luật, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật. 

Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở thông qua việc tập hợp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham gia ý kiến đóng góp trực tiếp vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc.  

Thanh Hương