Người có uy tín tỉnh Hà Giang chung tay đẩy lùi hủ tục

(Mặt trận) -Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua vai trò, tiếng nói của người có uy tín, một số hủ tục trong vùng đồng đồng bào DTTS được bài trừ, tư duy của người dân đã đổi thay.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Dòng họ Vương, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) ký cam kết bài trừ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh.
Tại xã Ngọc Minh (Vị Xuyên), dòng họ Vương có 28 hộ, với hơn 130 nhân khẩu. Đây là dòng họ đầu tiên được huyện Vị Xuyên lựa chọn để xây dựng mô hình tiêu biểu về bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Là người có uy tín của dòng họ, ông Vương Văn Ản nhận thức việc đẩy lùi hủ tục là vấn đề then chốt để mở đường phát triển KT-XH cho các gia đình trong dòng họ cũng như cho địa phương, ông đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động anh, em, con, cháu xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng hương ước, quy ước của dòng họ. Cùng với đó, ông xung phong đi đầu tại chính gia đình của mình, làm đám ma không quá 24 tiếng, các nghi lễ, thủ tục trong đám ma được rút ngắn, hạn chế giết mổ gia súc, không thách cưới, không được kết hôn cận huyết… Thấy sự thay đổi không làm ảnh hưởng đến cuộc sống nên 100% các gia đình trong dòng họ đã đồng tình thực hiện hương ước, cam kết bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Anh Vương Văn Đại, một người dòng họ Vương, chia sẻ: “Đối với người trẻ như chúng tôi thì việc xóa bỏ các hủ tục là rất cần thiết, không chỉ giúp giảm nhẹ gánh nặng về kinh tế cho các gia đình mà còn giúp các hộ có nhiều thay đổi trong phong tục, đời sống hàng ngày, tiến bộ văn minh hơn”.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của ông Vương Văn Ản và những người cao tuổi trong dòng họ Vương, 28 hộ trong dòng họ đã nhất trí ký cam kết với chính quyền xây dựng dòng họ Vương tiêu biểu xoá bỏ các hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh. Nội dung cam kết gồm tiếp tục duy trì các phong tục, tập quán văn minh và cắt bớt một số bước trong phong tục cũ như: Không tổ chức cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật; không gả con cho anh em có cùng dòng máu trực hệ; đưa người nhà bị ốm đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, không làm lễ cúng để chữa bệnh; đảm bảo cho con đến trường đúng độ tuổi, không cho con nghỉ học giữa chừng; đối với lễ cúng đám tang tùy theo điều kiện của từng gia đình mà tổ chức cúng trâu, bò, lợn và chỉ được giết mổ một con… Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Minh, Vương Hồng Ky cho biết: Đảng ủy xã đã chỉ đạo, phân công các đồng chí Ủy viên BTV Đảng ủy xuống các thôn, bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng bàn bạc với các thôn, bản và người có uy tín, nhận diện các phong tục tập quán lạc hậu cần xóa bỏ của địa phương, họp bàn thống nhất và xây dựng hương ước để nhân dân cùng thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 87% dân số. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người có uy tín, gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, cán bộ nghỉ hưu, già làng, trưởng dòng họ và các thành phần khác. Những năm qua, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và uy tín của bản thân đối với cộng đồng, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển KT - XH, giữ vững AN - QP, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Thông qua vai trò, tiếng nói của người có uy tín một số hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được cắt giảm, xóa bỏ. Cùng với đó, người có uy tín tích cực tuyên truyên, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc; truyền dạy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cho thế hệ trẻ; thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Cùng với hệ thống chính trị, các già làng, người có uy tín đã tích cực phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, giúp bà con vùng DTTS được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ để từ đó chủ động loại bỏ dần hủ tục, góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Họ thực sự là những tuyên truyền viên giỏi ở cơ sở, là cánh tay “nối dài” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

LÊ HẢI