Người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai: Cầu nối gắn kết ý Đảng-lòng dân

(Mặt trận) - Theo thống kê, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm 46,23%, trong đó, dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%. Với cộng đồng các DTTS thì người có uy tín có vai trò, vị trí rất quan trọng. Họ là trung tâm đoàn kết của cộng đồng, là “điểm tựa của mọi điểm tựa”...

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (đứng thứ 2 trái sang phải) nói chuyện với già làng uy tín trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy 

Điểm tựa của buôn làng

Theo thống kê, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm 46,23%, trong đó, dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%. Với cộng đồng các DTTS thì người có uy tín có vai trò, vị trí rất quan trọng. Họ là trung tâm đoàn kết của cộng đồng, là “điểm tựa của mọi điểm tựa”. Bằng uy tín của mình, những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức trước luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín đã vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động tại địa phương như: cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; từng bước vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, phòng-chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…

Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng (huyện Krông Pa) nên khi nghỉ hưu về sinh sống tại buôn Ia Sóa, ông Kbôr Lang nhận được tín nhiệm cao của dân làng. Ông vừa tham gia công tác Mặt trận của buôn, vừa đảm nhận vai trò già làng, người có uy tín. Ông Lang chia sẻ: “Người có uy tín cũng giống như cán bộ, phải không ngừng trau dồi kiến thức, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng. Nhận thức của một số người vẫn còn hạn chế, vì vậy, để nói cho họ hiểu được, nắm được cái đúng, cái sai không phải dễ. Trong quá trình tuyên truyền, mình luôn kiên trì và có phương pháp riêng với từng trường hợp. Khi nói vào một vấn đề cụ thể, mình đều nêu dẫn chứng để người dân thấy mình không nói suông, từ đó có căn cứ để tin, làm theo”. Theo ông Lang, buôn Ia Sóa không có tình trạng du canh du cư, người dân ổn định nơi ở, chăm lo phát triển kinh tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong buôn cũng ổn định.

Những năm qua, nhiều người có uy tín đã tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao và vận động, giúp đỡ người dân xung quanh vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Ông Ksor Nít (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) được biết đến là người tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Ông đang canh tác 3 ha lúa nước 2 vụ và 4 ha mì, chăn nuôi 7 con heo và 4 con bò. Ông Nít cho hay: “Diện tích đất sản xuất của gia đình trước đây chỉ trồng bắp và trồng lúa 1 vụ. Sau này, mình học hỏi những người xung quanh chuyển sang trồng lúa 2 vụ và trồng mì. Mình không sử dụng các giống lúa địa phương vì năng suất thấp, thời gian gieo trồng, thu hoạch kéo dài. Thay vào đó, các giống lúa ANS1, OM19, Đài Thơm 8... vừa cho năng suất cao, lại đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương. Một số người có uy tín đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp lực lượng chức năng triển khai kịp thời công tác đảm bảo an ninh trật tự thôn làng; vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để chung sức xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc... Ông Sêl (làng Nglơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) bộc bạch: “Ngoài trồng, chăm sóc cà phê và lúa, mình dành thời gian đan gùi để bán. Mỗi chiếc gùi có giá 200 ngàn đồng, trừ chi phí mình còn 150-160 ngàn đồng. Mình cũng vận động các hộ giữ gìn, phát huy nghề đan lát truyền thống. Đến nay, khoảng 80% hộ dân trong làng có thu nhập từ nghề đan gùi”.

Chăm lo, phát huy vai trò người uy tín

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tặng bằng khen cho người có uy tín có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2020 đến 2022. Ảnh: Đức Thụy

Huyện Phú Thiện hiện có 64 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, huyện luôn quan tâm chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-cho hay: Trong tháng 7, huyện đã ra mắt mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng”. Đây là mô hình góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phá hoại chính sách đại đoàn kết, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và giúp đỡ những người lầm lỡ sớm ổn định cuộc sống. Vai trò của các chức sắc, chức việc trong tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng đối với mô hình là rất lớn. Ngoài ra, trong các phong trào, hoạt động tại địa phương, người có uy tín đều có những đóng góp nhất định, từ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giữ gìn an ninh trật tự. “Hàng năm, huyện đều rà soát và củng cố đội ngũ người có uy tín; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà theo quy định và tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ tiếp tục phát huy tốt vai trò trong cộng đồng”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện cho biết.

Khẳng định vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: “Họ thật sự là những tấm gương tiêu biểu, là trung tâm đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Họ luôn xuất hiện kịp thời và đứng ra hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng. Bằng kiến thức, khả năng của mình, họ giúp người dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách một cách dễ hiểu nhất”.

Toàn tỉnh hiện có 955 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã phân bổ 20,239 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Trong đó, phân bổ cho Ban Dân tộc tỉnh 10,418 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố 9,821 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã thực hiện được 3,474 tỷ đồng (đạt 17,2% kế hoạch). Về thực hiện chính sách dân tộc với người có uy tín liên quan đến cung cấp thông tin trong giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã cấp phát 148.980 tờ báo Gia Lai, 297.960 tờ báo Dân tộc và Phát triển, 97 điện thoại cho người có uy tín; tổ chức 1 đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm và làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh bạn; tổ chức 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng-an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng cho 1.200 lượt người có uy tín... Các địa phương thường xuyên cung cấp, phổ biến các văn bản mới, thông tin tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện cho 2.500 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như: thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp lễ, Tết và khi đau ốm; thăm viếng người có uy tín, thân nhân người có uy tín khi qua đời và gia đình người có uy tín gặp khó khăn. Cũng theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 tại Tiểu dự án 1 của Dự án 10. Để chương trình phát huy hiệu quả đòi hỏi các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương tiếp tục chú trọng công tác vận động, tranh thủ vai trò của người có uy tín trong các lĩnh vực đời sống xã hội; kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình, người thân người có uy tín khi khó khăn, hoạn nạn.