Người có uy tín tiêu biểu ở bản Pù Toong

(Mặt trận) -Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò, trách nhiệm, thực sự trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân và là “điểm tựa” tin cậy cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Ông Lầu Minh Pó - người có uy tín tiêu biểu (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền cho thế hệ trẻ bản Pù Toong (Pù Nhi) thực hiện nếp sống văn hóa tại khu dân cư.

Từ trung tâm huyện Mường Lát, xuôi theo Quốc lộ 15 đến xã Pù Nhi, chúng tôi đến thăm ông Lầu Minh Pó - người dân tộc Mông có uy tín tiêu biểu của bản Pù Toong, khi ông vừa trên đồi trở về nhà. Bên ấm nước chè nóng hổi, ông Pó chia sẻ: Bản Pù Toong cách trung tâm huyện 12km, có diện tích tự nhiên 189 ha; 74 hộ, với 324 nhân khẩu, đồng bào ở đây 100% là người dân tộc Mông. Ông nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát về nghỉ hưu, được Nhân dân trong bản tin tưởng, tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản Pù Toong. Nhận thức rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, trong những năm qua ông luôn gương mẫu, vận động người thân, dòng họ, Nhân dân trong bản thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống của địa phương. Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế - xã hội đã đúc kết trong quá trình công tác từ thực tiễn cuộc sống, qua tập huấn, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác để vận động Nhân dân cùng làm theo. Nắm bắt tình hình dư luận xã hội, đời sống sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vận động Nhân dân trong bản không theo các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn... Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào: “Xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”, “Phong trào toàn dân XDNTM”; phòng, chống các hoạt động diễn biến hòa bình, chống phá Đảng, Nhà nước ta và các hoạt động gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Ông Pó cho biết thêm, ông đã tuyên truyền cho Nhân dân xóa bỏ các quan niệm, hủ tục, tập quán lạc hậu lâu đời đã ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ, nếp sống của bà con dân tộc Mông. Đặc biệt trong nhiều năm qua, ông đã đi khắp các bản người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tuân thủ pháp luật, thực hiện nếp sống mới, góp phần vào kết quả chung của tỉnh về tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa vùng đồng bào Mông. Bản thân ông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an, bộ đội biên phòng xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” của dòng họ Lầu. “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” tại xã Pù Nhi và 5 mô hình dòng họ tại các xã lân cận: gồm dòng họ Lò, Vi, Ngân, Hà tại các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Nhi Sơn, Tam Chung và Mường Lý; ban đầu có 3 dòng họ thì đến nay đã có 15 dòng họ ủng hộ. Việc xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” trên địa bàn xã đã góp phần giúp đồng bào Mông và các DTTS khác tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác trong đồng bào Mông nói riêng và đồng bào DTTS nói chung; không tin, không nghe, không làm theo các luận điệu của phần tử phản động, kẻ xấu xúi giục; đặc biệt là hoạt động lôi kéo người Mông tham gia thành lập “Nhà nước Mông”, hoạt động Phỉ và tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật. Từ đó, nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần làm cho tình hình an ninh biên giới, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh các vấn đề xã hội khác được giữ vững ổn định.

Với tinh thần trách nhiệm, uy tín cá nhân, ông Pó đã chủ động tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, xung đột ngay tại bản Pù Toong. Hai năm qua, ông đã tham gia hòa giải thành công hơn 10 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống mới trong tổ chức việc cưới, việc tang. Đến nay, 100% đám tang của đồng bào Mông tại xã Pù Nhi và các xã lân cận được cử hành theo nghi thức mới, đoạn tuyệt hoàn toàn với những hủ tục tồn tại bao đời nay. Ngoài ra, trên địa bàn xã Pù Nhi, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong đồng bào dân tộc Mông. Để giúp người dân hiểu và bài trừ tình trạng này, ông đã cùng chính quyền địa phương tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ của bà con, đặc biệt là phụ nữ về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là hủ tục tảo hôn. Hiện nay, trên địa bàn xã Pù Nhi không còn tình trạng hôn nhân cận huyết; nạn tảo hôn vẫn còn nhưng đã giảm theo từng năm.

Ông Lù Quy Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết: Những công lao đóng góp của người có uy tín trên địa bàn xã Pù Nhi, tiêu biểu như ông Lầu Minh Pó đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân ở bản Pù Toong, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng đều, bền vững của xã trong suốt thời gian qua.

Tiến Đông