Người có uy tín phát huy vai trò 'cầu nối' trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với vai trò, trách nhiệm của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Nâng cao đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc luôn được huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Không dừng lại ở đó, người có uy tín còn tích cực phát triển kinh tế, vận động đồng bào các DTTS tham gia các phong trào thi đua, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng xóm Hạ, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên, từ nhiều năm nay, ông Bảy đã được công nhận là người uy tín của xóm. Với trách nhiệm của một người có uy tín, người con của xóm Hạ, ông Bảy đã đưa ra nhiều sáng kiến để giúp đồng bào dân tộc nơi đây xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới. Để tuyên truyền cho bà con nghe theo, bản thân ông Bảy đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi. Với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ việc trồng chè của gia đình, ông Bảy đã vận động, hướng dẫn bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để bà con nghe và làm theo, ông Bảy cùng với Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể đã đến từng hộ dân để tuyên truyền cho bà con lợi ích của việc phát triển kinh tế gia đình và những lợi ích mà xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống mới mang lại. Từ tấm gương của ông Bảy, người dân xóm Hạ đã hiến gần 20.000m2 đất, đóng góp trên 1 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm và bê tông hóa gần 5km đường trục chính, tạo diện mạo khang trang cho nông thôn mới.

Từ nỗ lực vận động, đến nay, 21ha chè của xóm Hạ đã được người dân chuyển sang trồng chè lai F1, cho năng suất cao; nhiều hộ dân chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo, sinh sản… Bà con trong xóm đồng lòng, đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế, đẩy lùi cái khó, cái nghèo. Xóm Hạ đang dần chuyển mình, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. “Đường giao thông làm đến đâu, hàng hóa lưu thông đến đó. Những xe tải chở chè, chở nông sản của bà con được đi tiêu thụ khắp nơi. Bà con trong xóm lúc nào cũng vui như mở hội. Có kinh tế, bà con cũng cởi mở tấm lòng. Đời sống của nhân dân từ đó cũng thay da đổi thịt trông thấy. Những ngôi nhà khang trang, bề thế liên tục mọc lên từ chính những nỗ lực trong lao động của bà con” - ông Bảy chia sẻ.

Cũng là tấm gương tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Bảy, bà con nhân dân xóm Trại Cau, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ ai cũng biết đến ông Lại Văn Hòa. Với vai trò là người uy tín của xóm Trại Cau, ông Hòa luôn trăn trở làm thế nào để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông Hòa cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi mô hình từ chè trung du sang trồng chè lai F1; đồng thời, vận động người dân tham gia làng nghề chè sản xuất an toàn; chăn nuôi lợn với quy mô vừa và nhỏ, đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp... Nhiều người dân trong xóm đã đồng lòng ủng hộ và hưởng ứng cách làm này và nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm từ trồng chè, chăn nuôi. Nhờ đó đến nay, xóm Cây Thị chỉ còn 12 hộ nghèo.

Được biết, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 30% dân số là đồng bào DTTS với trên 384.000 người gồm các dân tộc như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông,… Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hằng năm, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS.

Theo ông Phạm Thái Hanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận. Trong thời gian qua, công tác này luôn được MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, MTTQ sẽ tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Vận động bà con nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; vận động bà con áp dụng các tiến bộ kinh tế - xã hội vào sản xuất để từng bước nâng cao đời sống của người dân. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng làm tốt công tác nắm bắt tình hình, động viên đồng bào dân tộc để kịp thời xử lý các thông tin gửi tới cấp ủy, chính quyền giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sản xuất.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín để động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư.

Ông Hoàng Văn Chính - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần quan trọng làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng DTTS và miền núi. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của 834 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào ở địa phương...

PHƯƠNG NGUYÊN