Người có uy tín ở Tuyên Quang - 'cánh tay' nối dài của chính quyền địa phương

(Mặt trận) -Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã trở thành “cánh tay” nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tích cực tuyên truyền, vận động để bà con tin và nghe theo.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Người có uy tín ở Tuyên Quang thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, trong giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh đã công nhận 5.846 lượt người có uy tín. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã trở thành lực lượng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng làm cầu nối để đưa chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Thông qua người có uy tín, các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ông Ma Quang Hiếu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đồng thời làm tốt vai trò động viên con cháu, cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường... Đồng thời, người có uy tín còn giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, đội ngũ người có uy tín còn quan tâm và tham gia nhiệt tình công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đầy đủ, trách nhiệm đối với các đợt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Thông qua công tác tiếp xúc cử tri, người có uy tín, lực lượng cốt cán đã có những ý kiến sát thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, đảm đương các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, qua đó đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 56 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; tham gia phát triển đảng viên theo hướng xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, gắn bó mật thiết với nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

“Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người có uy tín đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước thôn, bản; di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nơi ở; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục đề cao, phát huy vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán nêu gương đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi.

PHƯƠNG NGUYÊN