(Mặt trận) -An Giang là một tỉnh ở khu vực miền Tây Nam bộ, có 28 dân tộc thiểu số cùng chung sống, với gần 119.200 người (chiếm 5,26% dân số cả tỉnh). Trong đó, chủ yếu là dân tộc Chăm, Khmer, Hoa. Nhiều năm qua, từ phát huy vai trò gương mẫu trong các lĩnh vực hoạt động ở địa phương, những Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, dòng họ.
|
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Men Pholly tặng quà tri ân Người có uy tín trong đồng bào DTTS. |
Tỉnh An Giang có 120 Người có uy tín là đồng bào DTTS. Những người có uy tín có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, tập thể và dòng họ. Họ luôn đi đầu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Người có uy tín trong cộng đồng, được xem là cầu nối của các cấp chính quyền trong việc vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lời nói, việc làm của Người có uy tín tác động tích cực trong cộng đồng người DTTS, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Tiêu biểu như trong đồng bào DTTS Khmer có Hòa thượng Chau Cắt (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên) - Người có uy tín điển hình trong vận động Nhân dân xây dựng đường giao thông và kênh Mỹ Á. Trong đồng bào Khmer có Thượng tọa Chau Sóc Khênh (huyện Tịnh Biên) vận động Nhân dân xây dựng đường giao thông từ Tỉnh lộ 948 vào phum Sà Rất... Các ông Chau Sưng, Chau Kôk (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), vận động bà con hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, nối từ ấp Tô Thuận đến khu vực hồ Soài Chek, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ra đồng và chuyên chở nông sản. Thượng tọa Chau Diên (thị trấn Cô Tô) vận động, hỗ trợ học bổng cho con em DTTS Khmer nghèo.
Góp phần khôi phục ngành nghề đặc thù tại địa bàn đồng bào DTTS Chăm, ông AlyDal vận động bà con khôi phục nghề dệt vải truyền thống. Ông Mách Salês (cùng ngụ huyện An Phú) vận động xây nhà tình thương cho đồng bào. Các vị giáo cả tổ chức dạy chữ Chăm, xướng kinh Qur’an cho con em tại thánh đường.
Trong đồng bào DTTS người Hoa, tấm gương các ông Lư Hỷ, La Việt, Lôi Cẩm Chương, Lý Quốc Thuận, Đàm Mạnh Tài (thành viên Hội Tương tế người Hoa) được biết đến, vì có nhiều đóng góp trong xây dựng trường học, cầu đường, hỗ trợ tương tế đồng bào Hoa cùng phát triển.
|
Hòa thượng Chau Cắt, xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên) phát biểu tại một hội nghị |
“Chúng tôi đánh giá cao các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước như Chương trình giảm nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở; chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; chính sách đầu tư phát triển y tế, giáo dục... Tất cả đều hướng đến việc chăm lo cho đồng bào DTTS kịp thời, nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi sẽ tích cực đồng hành, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với bà con DTTS”, Hòa thượng Chau Cắt xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên chia sẻ.
Trưởng ban Dân tộc An Giang Men Pholly cho biết: Qua 10 năm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh An Giang, đã góp phần giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Các vị Người có uy tín được bà con tin tưởng, chia sẻ mọi vấn đề trong gia đình và ngoài đời sống xã hội.
“Nhiều người uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương; là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với đồng bào. Bởi họ đầu mối tuyên truyền và cũng là nơi tiếp nhận thông tin phản hồi nhanh nhất từ người dân với chính quyền địa phương. Đồng thời, họ cũng là những người có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, vận động bà con vươn lên phát triển, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly nhấn mạnh.
Để phát huy vai trò Người có uy tín, chức sắc tôn giáo, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS. Công tác giảm nghèo, y tế, giáo dục đã đạt được kết quả rõ rệt. Vì vậy, điều kiện kinh tế của đồng bào các DTTS được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, an ninh, trật tự được đảm bảo... góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS.
Đặc biệt, vào các ngày lễ, tết truyền thống, đồng bào các DTTS được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, thăm hỏi, tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức các sự kiện chu đáo, trọng thể, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, có thể nhận thấy đại bộ phận Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh An Giang đã an tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, tích cực đóng góp trí tuệ, sức lực cùng nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hạnh Châu – T. Phong