Người có uy tín huyện Như Thanh cầu nối giữa người dân với Đảng và chính quyền

(Mặt trận) -Trong nhiều năm qua, người có uy tín, nhân sĩ, trí thức trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) đã và đang đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Họ trở thành cầu nối giữa người dân với Đảng, chính quyền trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu...

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Ông Quách Văn Lưu (người đội mũ) bên hơn 3.000 gốc đào phai của gia đình.

Cuối tháng 9, vườn đào phai hơn 3.000 gốc của gia đình ông Quách Văn Lưu, đồng bào dân tộc Mường, trú tại thôn 6, xã Xuân Du, huyện Như Thanh lá bắt đầu chuyển màu xanh thẫm, các tay, tán đã vươn dài, căng nhựa sống, báo hiệu một mùa hoa rực rỡ vào dịp cuối năm. Ngoài ra, ông Lưu còn trồng hơn 800 gốc thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, gia đình ông cho thu nhập từ đào, thanh long hơn 300 triệu đồng.

Ông Lưu được bà con trong thôn tín nhiệm bầu là người có uy tín, trưởng dòng họ nên người gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của thôn, dòng họ, phát động, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng quê hương.

Ông Lưu chia sẻ: Thôn 6, xã Xuân Du có hơn 200 hộ, trong đó có 70 hộ là đồng bào dân tộc Mường. Nghề chính của bà con là trồng cây đào phai. Để bà con tin và làm theo trong mọi công việc, trước tiên ông phải luôn xắn tay làm trước, gia đình phải gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.

“Trong xây dựng nông thôn mới, để bà con đồng thuận, tích cực hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, đường vào sân vận động thôn, gia đình tôi đã tiên phong hiến đất làm đường. Bởi sự đồng thuận, đoàn kết của bà con trong mọi công việc nên thôn 6 đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống nhân dân dần nâng cao”- ông Lưu nói.

Nói về vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Phạm Hữu Hùng - Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Như Thanh cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình 135, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... đã giúp vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của huyện cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân.

Bà Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh khẳng định: Những năm qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ những đóng góp to lớn ấy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 6,8%, phấn đấu hết năm 2023 giảm còn 3,9%.

“Trong giai đoạn 2023-2025, chúng tôi đề ra mục tiêu thực hiện tốt các chính sách biểu dương, khen thưởng đối với người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS; xây dựng lực lượng người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân có phẩm chất tốt, ảnh hưởng lớn, sức khỏe, tâm huyết, trách nhiệm. Họ là cầu nối hiệu quả giữa “ý Đảng và lòng dân”, góp phần thực hiện tốt những mục tiêu mà huyện đã đề ra trong giai đoạn mới” - bà Hoa nhấn mạnh.

Giai đoạn 2021-2023, huyện Như Thanh có 322 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, là đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi... Nhân sĩ, trí thức đồng bào DTTS năm 2022 là 415 người, chiếm 28% toàn huyện; doanh nhân đồng bào DTTS là 8 người, đảm nhiệm 8 doanh nghiệp. Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân trong đồng bào DTTS toàn huyện không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình, dòng họ cùng thực hiện.

N.C