(Mặt trận) -Trong thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ với người dân. Cùng với gương mẫu, họ còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…
|
Sự kiên trì trong tuyên truyền, vận động của ông Triệu Văn Hồng đã góp phần quan trọng để người dân xóm Khâu Giáo 2 (xã Bản Ngoại, Đại Từ) đồng thuận hiến đất làm đường. |
Vụ chiêm xuân năm nay, đồng bào dân tộc Nùng ở xóm Khâu Giáo 2, xã Bản Ngoại (Đại Từ), không chỉ phấn khởi vì năng suất lúa đạt trên 2 tạ/sào mà còn vui mừng khi có con đường 540m đã được đổ bê tông rộng 4,5m. Ông Triệu Tân Nhật, một người dân trong xóm nhớ lại: Trước đây đường trục xóm chạy qua nhà tôi là đường đất, rộng chưa đầy 2m, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Do ô tô không vào được tận nhà nên khi bán nông sản tôi phải vận chuyển bằng xe máy ra đường liên xã cách nhà 300m rồi mới cho lên ô tô. Vì thế, khi xóm đến tuyên truyền, vận động để mở rộng tuyến đường, gia đình tôi đã hiến gần 400m2 đất ruộng.
Để có con đường rộng trên, các đoàn thể của xóm Khâu Giáo 2 đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Triệu Văn Hồng, người có uy tín ở xóm Khâu Giáo 2.
Ông Hồng chia sẻ: Xóm có 3 tuyến đường trục chính với tổng chiều dài hơn 2km. Năm 2021 chỉ còn lại tuyến đường 540m chưa được bê tông hoá, nguyên nhân bởi 2 bên đường là ruộng lúa nên gặp khó khăn trong vận động bà con hiến đất. Với quyết tâm xây dựng bằng được tuyến đường trong năm 2021, tôi đã cùng với đại diện các đoàn thể của xóm nhiều lần đến từng hộ có con đường đi qua để tuyên truyền, vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, đến cuối năm, 12 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 1.500m2 đất để xây dựng tuyến đường.
Năm 2020, 3 xóm Làng Hống, Nà Loòng và Đồng Kền thuộc xã Lam Vỹ (Định Hóa) sáp nhập lại và lấy tên thành xóm Tam Hợp. Với 145 hộ dân, 636 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 93%. Ông Lâm Văn Khánh được bà con tín nhiệm bầu làm người có uy tín của xóm.
Ông Khánh cho biết: Sau sáp nhập, Tam Hợp trở thành xóm có diện tích tự nhiên và số hộ lớn nhất xã. Để đảm bảo an ninh - trật tự sau sáp nhập, tôi đã phối hợp với các đoàn thể của xóm tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; không theo các tà đạo... Nhờ vậy, tình hình an ninh - trật tự được giữ vững, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, mẫu thuẫn trong nhân dân được giải quyết kịp thời, không xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%, xóm nhiều năm liền đạt xóm văn hóa.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 833 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường nối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nhờ đó, bộ mặt vùng DTTS và miền núi có nhiều thay đổi: Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, bình quân giảm từ 3-4%/năm, đầu năm 2022 chỉ còn 8.481/95.051 hộ nghèo là đồng bào DTTS; có 73/110 xã vùng DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ban Dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động, bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng cho người có uy tín.
Vũ Công