Người có uy tín - Cầu nối đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Các già làng, trưởng bản luôn là cầu nối trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số.

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lực lượng cầu nối đặc biệt

Ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2561/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”. Quyết định nhằm tăng cường vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Quyết định 2561/QĐ-TTg, người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo. 

Việc lựa chọn người có uy tín phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.

Về trách nhiệm của người có uy tín, bản thân và gia đình người có uy tín phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.

Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, các địa phương có thể điều chỉnh hoặc quy định bổ sung trách nhiệm của người có uy tín cho phù hợp.

Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đồng lòng, đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần đảm bảo tốt tình ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng vững mạnh. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các bản làng. Họ chính là nhân tố tạo nên sự đoàn kết, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ở các địa phương vùng núi.

Những tấm gương đi đầu, mẫu mực

Bản Cu Pua, xã Đakrông là một trong những bản mẫu mực trong xây dựng nếp sống mới. Nhiều năm nay, từ già đến trẻ, nam cũng như nữ đều không uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Cuộc sống bình yên cứ thế diễn ra trong khung cảnh thanh bình của núi rừng. Có được thành quả đó, bên cạnh sự tự giác của bà con dân bản thì phải nói đến vai trò của ông Hồ Ê Nót. 15 năm làm trưởng bản Cu Pua, bằng lòng nhiệt huyết của bản thân, ông Hồ Ê Nót đã kiên trì đến từng nhà, vận động từng người nói không với thuốc lá, rượu bia. Cho đến nay, ngay cả lễ mừng trầu, tiệc hỏi, cưới người dân bản Cu Pua cũng không sử dụng rượu, bia.

Không chỉ tại bản Cu Pua, xã Đakrông, mà tại nhiều vùng tại Quảng Trị, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô thời gian qua đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng bình yên, cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn xóm”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới” đã có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác của mỗi người dân trên khu vực biên giới.

Các già làng, trưởng bản, người có uy tín còn là những người giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc thực hiện cải tạo đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập, họ còn vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất cao. Ngoài ra, họ còn giúp nhiều hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 10.621 hộ, 41.768 người DTTS (thuộc 39 dân tộc, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh) sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 119 thôn, làng. Trong đó, có 3 dân tộc chiếm đa số gồm: Bana có 21.650 người, H'rê có 11.112 người, Chăm có 6.364 người. 

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, nhờ thực hiện tốt các chính sách, đã phát huy vai trò tích cực của người có uy tín tại các làng đồng bào DTTS. Các già làng, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi được bầu chọn là người có uy tín đã tích cực tham gia vận động nhân dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như: Khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tảo hôn, tự tử, cầm đồ thuốc độc, mê tín dị đoan…, góp phần bảo vệ ANTT tại vùng đồng bào DTTS.

Đặc biệt, trong phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn là những tấm gương sáng, đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; vận động, hướng dẫn người thân, bà con trong làng, thôn cùng nhau phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Kết quả đáng phấn khởi là kinh tế vùng đồng bào DTTS những năm qua không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Bình Định luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 122 người người có uy tín trong đồng bào DTTS, thuộc 6 huyện: An Lão 40 người; Vĩnh Thạnh 32 người; Vân Canh 28 người; Hoài Ân 13 người; Tây Sơn 7 người; Phù Cát 2 người.

Họ luôn là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Họ luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; vận động, hướng dẫn người thân, gia đình và bà con trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín

Tiếp tục kế thừa hệ thống những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong những năm qua đối với đội ngũ người có uy tín, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ yêu cầu tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn khó khăn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Họ cần được thường xuyên phổ biến, cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở những địa bàn, vùng cùng đặc thù. Chính vì thế, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đề cập tới việc “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…”.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc và các địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025: “tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín…” và đến năm 2030: “tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Đó là những chính sách kịp thời để khuyến khích những người có uy tín phát huy được hết ý nghĩa, vị trí, vai trò vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó sớm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước./.

Phương Liên