(Mặt trận) -Nghề thêu từ bao đời nay đã gắn liền với cuộc sống người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ là nghề thủ công truyền thống, mỗi vạt áo, gấu quần được thêu tỉ mỉ, chỉn chu bởi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ Dao còn gửi gắm biết bao tâm tình, nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
|
Chị em phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn thường thêu trang phục lúc rảnh rỗi, nông nhàn. |
Việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào, đặc biệt là phụ nữ Dao Thanh Phán, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao. Đây là nghề không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Theo phong tục từ xưa, các cô gái Dao trước khi lấy chồng đều phải biết thêu, may vá để tự tay thêu trang phục cưới cho mình cũng như may thêu được nhiều bộ trang phục dành làm quà tặng cho mẹ chồng, các chị em chồng. Vì vậy, phụ nữ Dao từ già tới trẻ hầu hết đều biết thêu.
Đến Bình Liêu, dọc theo cung đường biên giới tới xã Đồng Văn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Dao Thanh Phán sử dụng trang phục truyền thống của mình khá phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu không vào những ngày mùa bận rộn, không khó để du khách thấy hình ảnh các cụ bà, các cô gái người Dao Thanh Phán ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ ngay bên vệ đường, phiến đá.
Không lớp học, không phải sự truyền dạy một cách bài bản, chủ yếu các cô gái Dao sẽ nhìn theo bà, theo mẹ để học, chưa biết chỗ nào thì hỏi chỗ đó. Những “lớp học” truyền miệng, cầm tay chỉ việc như thế được duy trì như một thói quen, từ đời này qua đời khác một cách gần gũi, thân thuộc. Dường như khi đã cầm cây kim, sợi chỉ lên, người phụ nữ Dao chỉ còn biết đắm mình trong những mũi thêu, giữ cho tâm hồn lạc quan, vô ưu, tạm gác lại mọi nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống.
|
Phần thi thêu trang phục dân tộc được duy trì tổ chức tại Ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán hằng năm. |
Chị Tằng Tài Múi, thôn Sông Moóc A, xã Đồng Văn, chia sẻ: Cứ rảnh là bà cháu, chị em tôi lại ngồi thêu với nhau. Chưa biết thêu hoa văn nào thì nhờ các bà, các mẹ chỉ dạy nên cũng không quá khó, nhưng để thêu quen tay thì lâu lắm. Khi thêu cần tập trung hoàn toàn cho công việc, không suy nghĩ việc khác, không nói chuyện để tránh làm hỏng đường thêu, bởi chỉ sơ sẩy một mũi thêu là phải dỡ đi, thêu lại từ đầu.
Các họa tiết thêu của người Dao Thanh Phán không theo mẫu được vẽ sẵn mà được truyền miệng, lưu giữ bằng trí nhớ. Phần lớn các họa tiết, hoa văn đều xuất phát và gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối canh tác... của người Dao như: Hoa văn vết chân chó, ruộng bậc thang, cái bừa, hạt dưa, hoa đậu đũa, cây kiệu, hoa hồi... Song các hoa văn cũng được phân chia rõ ràng những hoa văn dành cho trang phục mặc thường ngày và những hoa văn dành cho trang phục của thầy cúng hay trang phục cô dâu....
Sản phẩm thêu cuối cùng sau khi hoàn thiện không phải mặt vải đang thêu mà là mặt ngược lại. Mỗi sản phẩm tựa như một bức tranh văn hóa của người Dao với sự hài hòa, tinh tế về hoa văn, họa tiết và màu sắc. Trang phục thêu của người Dao thường có màu sắc rất sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh lá cây... do tương truyền phụ nữ Dao rất thích đẹp, thích sự nổi bật giữa sắc xanh của thiên nhiên núi rừng và mặc đẹp để tránh thú rừng. Bởi họ tin rằng trước cái đẹp thú dữ cũng sẽ quay đầu.
|
Truyền dạy nghề thêu truyền thống cho thiếu nhi dịp hè. |
Để hoàn thiện một đôi gấu quần thì cần ít nhất ba tháng thêu liên tục. Với đôi vạt áo thì cần thời gian ít hơn, khoảng hai tháng. Tuy nhiên, do những yêu cầu của cuộc sống hằng ngày, ít người có điều kiện chỉ tập trung vào thêu thùa, vì thế thường phải mất cả năm họ mới hoàn thiện sản phẩm và đưa vào sử dụng.
Nghề thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán Bình Liêu vẫn đang được mỗi thế hệ người Dao giữ gìn, nâng niu và trân trọng. Song để gìn giữ, bảo tồn, phát huy vốn quý này một cách bền vững, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ hơn của các cấp, ngành, địa phương, để nâng tầm sản phẩm thêu truyền thống vượt ra khỏi phạm vi gia đình, trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa. Với tiềm năng phát triển du lịch ở Bình Liêu hiện nay, nghề thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán sẽ có cơ hội phát triển, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường rộng lớn. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Duy Khoa