Nghệ An: Phát huy vai trò của MTTQ trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có sự triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần cải thiện đời sống của người dân đồng bào DTTS và miền núi nơi đây.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Các chính sách dân tộc miền núi phát huy hiệu quả

Quỳ Hợp là huyện miền núi vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có 14/21 xã đặc biệt khó khăn, có 3 dân tộc gồm: Kinh, Thái, Thổ sinh sống với gần 54% dân số là người đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Thổ. Vùng đồng bào DTTS đã và đang là “lõi nghèo” của địa phương do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện đất đai khó canh tác, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, việc tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, mật độ dân cư thưa thớt…

 Trao hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ ông Lê Hồng Cường

Những năm qua, huyện Quỳ Hợp đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống vùng DTTS và miền núi có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc. Trong đó, sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của MTTQ các cấp trong phối hợp thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách dân tộc đã đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

 Ông Nguyễn Đức Thành, PCT Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An trao quà cho các hộ nghèo xã Yên Hợp

Nghệ An đặt ra mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi giảm từ 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Phát huy tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Theo đó, MTTQ huyện Quỳ Hợp có trách nhiệm phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nhất là đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai Chương trình; giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc tại địa phương.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".

Trong quá trình thực hiện và giám sát, chính sách dân tộc của MTTQ các cấp còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Việc ban hành các chính sách, chế tài, quy định còn mang tính chất định hướng, chưa rõ ràng nên kết quả thực hiện còn hạn chế; công tác kiểm tra giám sát thực hiện các chính sách dân tộc chưa được thường xuyên; quá trình thực hiện chính sách chưa gắn với cân đối, bố trí nguồn lực.

Phần lớn các chính sách đều mang tính hỗ trợ, chưa bám sát thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định mức đầu tư thấp, dẫn đến tình trạng manh mún; chính sách huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế vùng DTTS và MN chưa hấp dẫn, hiệu quả thấp, nguồn lực đầu tư còn dàn trải…

Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, phần lớn quy mô sản xuất ở vùng chính sách vẫn còn nhỏ lẻ, nhiều nơi vẫn còn duy trì tập quán canh tác cũ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Sản xuất nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, chưa khai thác tốt tiềm năng về nguồn nguyên liệu và nhân công tại địa phương.

 MTTQ huyện thăm mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Văn Lợi

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc chưa thực sự được quan tâm; tỷ lệ lao động người DTTS có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm ổn định còn cao; công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng DTTS chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.

Việc tham gia giám sát của MTTQ các cấp trong xây dựng, triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả chính sách dân tộc chưa được thực hiện thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của MTTQ.

Cần có các biện pháp đồng bộ để đạt các mục tiêu để ra, hướng tới hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-205. Phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, bám sát nhiệm vụ được phân công để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các dự án thành phần thuộc chương trình.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Qua đó, thu hút và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

Tổng nguồn vốn được phân bổ là 250.083 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 136.384 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 113.654 triệu đồng. Tiến độ giải ngân (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) được 65.340,50 triệu đồng/250.083 triệu đồng đạt 26,13%.

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển là 136.384 triệu đồng, được bố trí cho 62 dự án và 1 hỗ trợ nhà ở, trong đó có 27 dự án đã hoàn thành, có 29 dự án đã khởi công, có 6 dự án chưa khởi công

Bên cạnh đó, các cấp MTTQ huyện Quỳ Hợp tiếp tục tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai Chương trình. Cùng với đó, phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng, của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện; công khai, minh bạch về kế hoạch, nội dung đầu tư, hỗ trợ và nguồn vốn để người dân được biết và theo dõi, kiểm tra, giám sát theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, nguồn lực đảm bảo triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên.

Trong thời gian tới, MTTQ các cấp huyện Quỳ Hợp sẽ tiếp tục chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất kinh doanh, giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Gia Ân- Phan Giang