Nghệ An: Những đổi mới, sáng tạo trong công tác tôn giáo

(Mặt trận) - Những năm qua, chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Đồng bào các tôn giáo luôn giữ vững và phát huy phương châm sống “tốt đời - đẹp đạo”, góp phần cùng Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

Lễ ký kết Chương trình phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về công tác giai đoạn 2021 - 2026 

Ký kết và thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức ký kết quy chế, chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội tôn giáo, như: Ký kết Quy chế với Tòa Giám mục Giáo phận Vinh về phối hợp vận động, hỗ trợ cải thiện nhà ở và sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về công tác giai đoạn 2021 – 2026 và ký kết Quy chế phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh.

Thực hiện quy chế, chương trình phối hợp, hàng năm, các bên đều ban hành kế hoạch triển khai với những hoạt động cụ thể, như: Phối hợp tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hội nghị gặp mặt, tọa đàm lắng nghe ý kiến của chức sắc, chức việc tôn giáo; tổ chức các đoàn đại biểu trao đổi, học tập kinh nghiệm; phối hợp tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2027; phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương gương người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ V, giai đoạn 2015 - 2020 và Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027; tổ chức các ngày lễ trọng; xây dựng các mô hình tiêu biểu…

Gặp gỡ, trao đổi thông tin, thăm, chúc mừng kịp thời, chân thành

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều tổ chức các hội nghị gặp mặt, lắng nghe tiếng nói của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo; tổ chức các đoàn thăm và chúc mừng tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu nhân các ngày lễ lớn của đất nước và lễ trọng của các tôn giáo (Phục sinh, Phật đản, Vu lan, Giáng sinh, Bổn mạng,…), trong đó thành phần của các đoàn gồm lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các tổ chức xã hội liên quan, đặc biệt luôn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tôn giáo (Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh), thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết giữa đồng bào lương giáo và các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu hoặc người thân khi ốm đau, hoạn nạn; tham gia các đoàn thăm và chúc mừng, động viên của Trung ương và tỉnh.

Cách thức gặp gỡ, trao đổi, chia sẽ gần gũi, cởi mở, chân thành. Quà tặng chúc mừng được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn, thiết kế ý nghĩa, như: bộ áo lễ cho các chức sắc Công giáo; thiết kế đồng hồ treo tường có biểu trưng chim bồ câu ngậm cành ô liu bay lên từ cuốn Kinh thánh thể hiện sự thanh bạch, biểu tượng của hòa bình, sự bình an, về sự sống… tặng các chức sắc, tín đồ tiêu biểu của đạo Công giáo vào các dịp lễ trọng... Qùa tặng này, được các chức sắc, giáo dân đón nhận, đánh giá rất cao, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh cùng đoàn công tác tặng hoa chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Vinh 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức Đoàn đại biểu “Hành trình theo chân Bác”, với 72 đại biểu, trong đó có 27 đại biểu tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số, 26 đại biểu tiêu biểu trong Công giáo và 15 đại biểu Phật giáo. Đoàn đã báo cáo kết quả công tác Mặt trận, công tác dân tộc, tôn giáo với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; tổ chức viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa: Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Đá Chông - K9 (thủ đô Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, Tổ đình Kim Liên và Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình).

Đây là những dịp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo có thời gian tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết; đồng thời thông tin kịp thời đến các chức sắc, chức việc, tín đồ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng; về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; các mô hình hay, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội,…

Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Mặt trận các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng bào các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”;... Để học tập kinh nghiệm hay, nâng cao chất lượng phong trào trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu học tập kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động các tôn giáo thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, mô hình phong trào “Toàn dân Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” tại các tỉnh Nam Trung bộ, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Quảng Ninh,…

Đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 đơn vị cấp huyện và 319/411 đơn vị cấp xã (đạt 77,61%) đạt chuẩn nông thôn mới, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, đồng bào các tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ, an sinh xã hội đối với người nghèo, người khó khăn, yếu thế trong xã hội.  Trong 10 năm qua, đồng bào Phật giáo tỉnh nhà đã hỗ trợ xây dựng hơn 100 nhà đại đoàn kết, nhà nghĩa tình; xây dựng và trang thiết bị một số trường học mầm non trị giá hàng chục tỷ đồng; ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 gần 10 tỷ đồng; thăm hỏi, động viên tinh thần vật chất cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Tổng kinh phí ước đạt gần 190 tỷ đồng.

Ngoài ra, đồng bào Công giáo, Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động chào mừng Ngày hội đại đoàn kết tại khu dân cư. Hàng năm, 100% khu dân cư có đồng bào các tôn giáo tổ chức Ngày hội; nhiều khu dân cư vừa tổ chức phần lễ và phần hội. Đặc biệt, nhân Ngày hội năm 2019, Giám mục Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh và Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở xóm Tân Lập 1 (xóm giáo toàn tòng), xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc nhân dịp đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về dự.

Để tiếp tục phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức Lễ phát động các tôn giáo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) và ra mắt mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại chùa An Thái, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, với hơn 800 đại biểu tham dự, trong đó có 25 tăng ni, 03 linh mục và rất nhiều bà con phật tử, giáo dân tham dự. Qua đó đã tăng cường thêm mối quan hệ đoàn kết gắn bó lương giáo, đoàn kết các tôn giáo với nhau, cùng chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vận động các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt việc treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở thờ tự, nhà riêng của tín đồ nhất là vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và lễ trọng của tổ chức tôn giáo, qua đó, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nhận thức rõ trách nhiệm công dân của mình, của tổ chức mình với Tổ quốc, hiểu được ý nghĩa của việc treo cờ Tổ quốc là sự thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và truyền thống đại đoàn kết của các tôn giáo trong lòng dân tộc Việt Nam. 100% cơ sở Phật giáo đều treo cờ Tổ quốc. Đối với Công giáo đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Đường cờ đại đoàn kết” tại giáo xứ Vạn Thủy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; mô hình “Cơ sở tôn giáo rợp cờ Tổ quốc” tại giáo họ Phan Thôn, giáo họ Ân Hậu, thành phố Vinh; mô hình “Đường cờ tôn giáo” tại giáo họ Đồng Tâm xứ Làng Rào, huyện Tân Kỳ…

Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo được quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức các Hội nghị biểu dương điển hình, tiêu biểu như: Hội nghị biểu dương Người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo (năm 2020, 2022); Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tôn giáo tiêu biểu (năm 2023). Thông qua việc tổ chức hội nghị biểu dương và tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã biểu dương khen thưởng, thăm hỏi, tặng quà động viên các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tiêu biểu trong tôn giáo. Từ đó nhân lên, lan tỏa nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong đồng bào có đạo, có ý nghĩa thiết thực nêu gương sáng đạo, đời trong xây dựng quê hương, đất nước.

Công tác tôn giáo là một bộ phận của công tác vận động quần chúng. Đổi mới, sáng tạo trong công tác tôn giáo đã góp phần tăng cường mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có tôn giáo, xây dựng và lan tỏa các mô hình hay, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.