(Mặt trận) -Với sự nhiệt tình và tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều người có uy tín tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang đã trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
“Mình cứ thật lòng, đồng bào sẽ nghe”
Mới đây, tôi cùng lãnh đạo UBND xã Lục Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) tới thăm gia đình anh Trạc Văn Vinh (SN 1985), Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong đồng bào người Cao Lan ở thôn Vĩnh Ninh. Dù đã hẹn trước song chúng tôi phải chờ gần 30 phút chủ nhà mới về. Thấy có khách đến, anh Vinh nói: “Các anh thông cảm, trên đường đi rừng về, tôi gặp một người bị trượt chân ngã nên hỗ trợ đưa về nhà”. Nói rồi, anh nhanh nhảu mời khách vào nhà, pha nước uống.
|
Anh Trạc Văn Vinh chăm sóc vườn bạch đàn của gia đình. |
Theo lời kể, bố mẹ anh rất nghèo, bà con đồng bào dân tộc Cao Lan ở đây cũng thế. Học xong lớp 12, anh ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, xây dựng gia đình và ra ở riêng. Người thanh niên ấy ít nói nhưng đã nói là làm, lại hăng say trong các phong trào của thôn nên năm 2011 được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn.
Cũng trong năm ấy, 100% số hộ trong thôn nhất trí bình chọn anh là người có uy tín. Bằng sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh chuyển đổi 4 nghìn m2 đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả (vải thiều, nhãn). Đối với 3 ha rừng, anh từ bỏ cây trồng truyền thống như ngô, sắn để chuyển sang trồng keo, bạch đàn.
Thấy cách làm này mang lại hiệu quả cao hơn, người dân trong thôn cũng làm theo, chuyển toàn bộ diện tích đất rừng, nương rẫy sang trồng cây lâm nghiệp. “Từ trồng cây lâm nghiệp, đời sống đồng bào đã cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn hơn 12%. Không còn gia đình nào phải ở nhà tạm, dột nát; ngày càng có nhiều hộ xây dựng những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Tất cả đều nhờ rừng đấy cán bộ ạ”, anh Trạc Văn Vinh nói.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 525 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã tại các huyện: Lục Ngạn (219), Sơn Động (110), Lục Nam (73), Yên Thế (98), Lạng Giang (20) và Tân Yên (5). Trong đó dân tộc Nùng 36,64%, Tày 20,56%, Sán Dìu 9,91%, Hoa 9,53%; còn lại là dân tộc Cao Lan, Dao, Sán Chí.
|
Toàn tỉnh Bắc Giang có 525 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.
Cùng với những già làng, người có nhiều kinh nghiệm sống, không ít người trẻ đã được đồng bào tín nhiệm bầu là người có uy tín. Điểm chung nhất của họ là hăng say, năng nổ, luôn có tinh thần vì tập thể.
Anh Nông Trần Hiên (SN 1979) ở thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) là người như thế. Năm 2013, anh tiên phong đưa 10 con dê về nuôi thử rồi vận động đồng bào cùng nuôi. Đến nay, toàn xã có hàng nghìn con dê, mỗi hộ chăn nuôi thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Tương tự, để địa phương về đích nông thôn mới trong năm nay, anh Phạm Văn Gioóng (SN 1980), dân tộc Hoa, thôn Vặt Ngoài, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) hiến hơn 400 m2 đất rừng, cùng bà con góp công, góp của xây mới nhà văn hóa thôn, mở rộng hơn 1,2 km đường.
“Để dân tin, dân nghe và làm theo, tôi cùng gia đình luôn đi tiên phong trong mọi phong trào. Với đồng bào, mình tuyên truyền vận động khéo léo giúp bà con hiểu đóng góp xây dựng quê hương là để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi ấy thì bà con mới nghe”, anh Gioóng nói.
Phát huy vai trò của người có uy tín
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS nỗ lực hoạt động, phát huy sự ảnh hưởng, thể hiện tốt vai trò của mình, tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, góp phần bảo vệ an ninh trật tự.
Nhiều người có uy tín trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình; vận động, hướng dẫn người thân, bà con cùng mở mang sản xuất, vươn lên làm giàu. 5 năm qua, người có uy tín tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, trực tiếp vận động hơn 4 nghìn hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng các tuyến đường trục chính về các thôn, đường ngõ xóm, tạo điều kiện cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa.
Kinh tế vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Mặc dù vậy, KT-XH vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng nhiều nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh. Xác định cùng với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, việc phát huy nội lực của đồng bào là “chìa khóa” để thay đổi diện mạo các thôn, bản, những năm qua, T.Ư, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò người có uy tín.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đề cập tới việc biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín. Cụ thể hóa chủ trương này, trong giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng, nâng cao chất lượng người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ này.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: “Do một số người DTTS nhận thức hạn chế nên người có uy tín đóng vai trò quan trọng, giúp thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân. Việc bố trí nguồn lực để chăm lo cho người có uy tín sẽ khuyến khích họ phát huy vai trò vào công cuộc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái vùng DTTS và miền núi”.
Sỹ Quyết