Nam Định: Đoàn kết các tôn giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là tỉnh trọng điểm về tôn giáo với số lượng chức sắc, tín đồ đạo Công giáo đứng thứ 3 cả nước, Phật giáo đứng thứ 2 miền Bắc. Với đường hướng hành đạo: “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, “Kính Chúa - yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào các tôn giáo tỉnh Nam Định luôn thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện tốt phương châm hành đạo của các tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gia Lai: Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

 Thượng tọa Thích Quảng Hà, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định trao kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch tới Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Hùng.

Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp vận động và đoàn kết các tôn giáo, tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào có đạo nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa các cuộc vận động, các phong trào thi đua, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, về phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không” gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tổ chức triển khai nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Chùa tinh tiến” và “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền và triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tới chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo. Đến nay, toàn tỉnh có 394 chùa đạt danh hiệu chùa tinh tiến, 847 lượt xứ, họ đạt danh hiệu xứ, họ tiên tiến; 90.550 lượt gia đình Công giáo gương mẫu. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, đồng bào Công giáo đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi thôn, xóm. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thông báo, kêu gọi tín đồ tham gia phòng, chống dịch bệnh, tạm dừng hoặc tổ chức các hoạt động nghi lễ tôn giáo theo cách phù hợp đảm bảo an toàn chống dịch. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã vận động, quyên góp trao số tiền 100 triệu đồng tới đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Tổ chức 2 đoàn (gồm 20 chư tăng là các thượng tọa, đại đức) tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Trở về từ Long An, Thượng tọa Thích Thanh Hùng (Chùa Cổ Lễ), Trưởng đoàn tình nguyện chia sẻ: “Hơn 1 tháng, tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Long An, 10 chư tăng không nề hà bất kỳ công việc nào được giao: từ thu gom rác thải y tế nguy hiểm, đưa cơm cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, động viên bệnh nhân... cùng lực lượng tuyến đầu nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Với mục tiêu đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo đoàn kết trong tôn giáo và giữa các tôn giáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn và tổ chức thực hiện toàn diện những nội dung, nhiệm vụ, đồng thời vận dụng tốt các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh chấp thuận thành lập Đại chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, 35 tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức các ngày lễ lớn, đại hội, hội nghị ngoài danh mục hoạt động; tổ chức an cư kiết hạ, tĩnh tâm, Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội; hội thảo, hành hương mang tính chất vùng và toàn đạo; chấp thuận và tiếp nhận thông báo phong chức, bổ nhiệm, suy cử 193 chức sắc, chức việc các tôn giáo; thuyên chuyển 107 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo… Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng liên quan đến tôn giáo, theo hướng tạo điều kiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Trong đó, tỉnh chấp thuận về chủ trương cho xây dựng 40 công trình tôn giáo. Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các cơ sở tôn giáo, đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và tình hình tôn giáo trên địa bàn.

Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo mở 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo, kiến thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm cho 7.353 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chính quyền các cấp trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để ban hành giáo xứ, giáo họ, ban hộ tự, ban chấp sự, trưởng các hội đoàn của đạo Công giáo hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời thông qua chức sắc, chức việc tôn giáo phối hợp với lực lượng Công an, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động tín đồ nâng cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư và giữa các tôn giáo.

Nhờ đó đồng bào có đạo luôn phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội./.

Việt Thắng