MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng chặt chẽ phối hợp với các cơ sở tôn giáo

(Mặt trận) -Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia các phong trào, cuộc vận động xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng duy trì và thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Nhờ đó, những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, các mục tiêu kinh tế, xã hội được nâng cao, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển chung của địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Các buổi lễ của giáo xứ đều được các Linh mục lồng ghép vận động, tuyên truyền giáo dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Những ngày này, về thăm lại thôn Kim Phát (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng), chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi bầu không khí thanh bình, yên ả với những con đường bê tông sạch sẽ, phủ bóng mát bởi những hàng cây xanh tốt, xen kẽ là những luống hoa rực rỡ khoe sắc. Người dân nơi đây ngày ngày phấn khởi thi đua sản xuất, xây dựng, cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần; con em hiếu thảo, chăm chỉ học hành. 

Nhưng, ít ai biết được, Kim Phát của nhiều năm về trước lại không được yên bình như thế, thậm chí xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội, an ninh trật tự phức tạp. Đặc biệt, do địa hình phức tạp, giáp ranh giữa hai huyện Đức Trọng và Lâm Hà, trên địa bàn thôn, nhiều thanh niên bị dụ dỗ, bị lôi kéo vào cờ bạc, nghiện ngập, tụ tập ăn nhậu, gây mất an ninh trật tự. Linh mục Nguyễn Văn Bảo - Quản Hạt Đức Trọng, Quản xứ giáo xứ Kim Phát cho biết, năm 2019, nhằm lập lại an ninh, đảm bảo cuộc sống cho người dân, giáo xứ thông qua sự phát động và phối hợp của Công an xã đã cùng với địa phương thành lập Mô hình giáo xứ an toàn, đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, cả bốn giáo họ thuộc giáo xứ đều thành lập các tổ tự quản, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, bài trừ các tệ nạn xã hội.

“Thời điểm đó, do các vụ gây rối, mất trật tự thường xảy ra vào các dịp lễ, tết, nên các tổ tự quản bao gồm huynh trưởng của giáo xứ và thanh niên của giáo họ trực tiếp đến từng ngõ, từng nhà để tuyên truyền, vận động”, Linh mục Nguyễn Văn Bảo nói. Một mặt, với các điểm thanh thiếu niên thường tụ tập ăn nhậu, gây mất trật tự, tổ sẽ tiến hành khuyên giải. Mặt khác, các lễ của giáo xứ đều được lồng ghép các nội dung tuyên truyền giúp giáo dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên nhận thức rõ việc tu dưỡng đạo đức, lối sống cao đẹp, lành mạnh của người công giáo, tu chí làm ăn. Nhờ đó, chỉ sau hai năm triển khai, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã chuyển biến rõ rệt, không còn tình trạng thanh niên tụ tập ăn nhậu, cờ bạc, nghiện hút”. 

Bên cạnh phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, hàng năm, chính quyền, MTTQ xã và giáo xứ đều có giao ước thi đua, với các mô hình nổi bật như: giáo họ “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; vận động Nhân dân tham gia trồng hoa, cây xanh, tu sửa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, lắp đèn điện chiếu sáng khu dân cư. Đặc biệt, từ năm 2015, giáo xứ Kim Phát đã vận động kêu gọi đầu tư, xây dựng trường mẫu giáo với hơn 12 tỷ đồng. Không riêng giáo xứ Kim Phát, trên địa bàn huyện Đức Trọng, nhiều năm qua, đã có rất nhiều cơ sở tôn giáo tham gia tích cực vào các cuộc vận động, phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Để có được điều này, theo ông Huỳnh Ngọc Phụng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, những năm qua, Mặt trận huyện đã không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển các mô hình phối hợp giữa chính quyền và các cơ sở tôn giáo. 

Nhiều mô hình, phong trào như “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với xây dựng Mô hình “Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu” được đông đảo bà con giáo dân nhiệt tình hưởng ứng. Theo ông Phụng, hiện toàn huyện có 22 giáo xứ, 16 giáo họ với hơn 80 ngàn giáo dân. Để đảm bảo việc phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hàng năm, MTTQ huyện Đức Trọng ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, chương trình công tác năm về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác tôn giáo trên địa bàn huyện. Ngoài ra, MTTQ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, và tín đồ tôn giáo. Tranh thủ, phối hợp với các tổ chức tôn giáo hợp pháp kịp thời đấu tranh với các hành vi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tiêu cực, phản văn hóa, mê tín, tập tục lạc hậu, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, địa phương cũng tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo hoạt động, hành đạo tuân theo pháp luật và hiến chương của giáo hội. Qua đó, hoạt động tôn giáo của các chức sắc, tín đồ có nhiều điểm tích cực , yên tâm sinh hoạt đạo, xóa bỏ dần định kiến, thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, ý thức chấp hành pháp luật, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên. “Cũng nhờ đó, mà thời gian qua, huyện Đức Trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng, phát triển và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội”, ông Phụng chia sẻ. 

NHẬT QUỲNH