MTTQ tỉnh Hậu Giang xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực

(Mặt trận) -Năm qua, Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực góp phần thực hiện các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Lễ ra mắt mô hình Đoàn kết sáng tạo “Chạm khắc gỗ nghệ thuật” tại chùa Pôthivonewongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ năm qua đã xây dựng mô hình: Đoàn kết sáng tạo “Chạm khắc gỗ nghệ thuật” tại chùa Pôthivonewongsa, ở ấp 4. Mô hình được thành lập có 5 thành viên, gồm các nhà sư có tay nghề chạm khắc gỗ trong chùa này và bà con dân tộc Khmer trong ấp.

Bà Lê Thị Tuyết Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xà Phiên, cho biết, mô hình đi vào hoạt động nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình có hiệu quả về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật đến Nhân dân; giúp Nhân dân trên địa bàn xã, đặc biệt là bà con dân tộc Khmer nghèo tận dụng những gốc, rễ, thân cây tưởng chừng như không sử dụng được nhưng sau khi chạm khắc thì tạo ra một sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Qua thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, năm 2021, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện đã xây dựng mới 17 mô hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể là hỗ trợ bò giống giảm nghèo 1+1 ở xã Vĩnh Viễn A; giảm nghèo “2 trong 1” trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lương Nghĩa; tiếng loa học đường ở thị trấn Vĩnh Viễn; Hợp tác xã Phú Thành với hộ nghèo ở xã Thuận Hòa; tặng sổ mua nhu yếu phẩm 0 đồng ở xã Vĩnh Thuận Đông; tổ từ thiện bếp hồng khu cách ly ở xã Xà Phiên...

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện còn duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả như: thân nhân kiều bào giúp đỡ hộ nghèo; cơ sở thờ tự chung tay bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khi hậu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật ở khu dân cư…

Tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Mặt trận địa phương phối hợp xây dựng một số mô hình mang ý nghĩa thiết thực. Nổi bật phải kể đến như “Cho mượn vốn sinh kế”. Từ nguồn vốn xã hội hóa và Quỹ “Vì người nghèo”, Mặt trận xã phối hợp cho 3 hộ nghèo mượn vốn để chăn nuôi gà, vịt.

Hay mô hình “Hành trình thứ hai của rác thải nhựa” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phương Ninh được triển khai nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh. Theo đó, học sinh của trường thu gom rác thải nhựa đã qua sử dụng và tái chế thành các sản phẩm thủ công đẹp mắt và bán lại cho người có nhu cầu. Số tiền thu về từ bán sản phẩm trong năm 2021 là trên 18 triệu đồng, được dùng để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Các mô hình do chúng tôi phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng góp phần thực hiện các phong trào, cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị ở địa phương”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phương Bình Dương Hoài Thanh chia sẻ.

Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh đã hướng dẫn Mặt trận các xã, phường xây dựng và ra mắt 63 mô hình, trong đó 21 mô hình mới, 29 mô hình nhân rộng và 13 mô hình duy trì. Ông Phan Hoàng Liệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, nhiều mô hình ra đời góp phần chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Một trong số đó là “Tổ tiết kiệm - san sẻ yêu thương” ở xã Vị Tân góp phần hỗ trợ, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Có 15 thành viên là cán bộ Mặt trận, đoàn thể xã và trưởng ban công tác Mặt trận các ấp trên địa bàn tham gia mô hình này. Với tinh thần tự nguyện, tự giác và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, các thành viên sẽ tích cực vận động, kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa đóng góp kinh phí để hỗ trợ, giúp đỡ, san sẻ khó khăn với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Định kỳ mỗi tháng, các thành viên sẽ họp để đánh giá lại kết quả hoạt động tháng qua và đề ra phương hướng cho tháng tới.         

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, năm qua, Mặt trận các cấp đã nỗ lực xây dựng được nhiều mô hình gắn với thực hiện an sinh xã hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Như trong xây dựng nông thôn mới, có 81 mô hình hay, hiệu quả được triển khai; nhân rộng 47 mô hình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ cho 500 hộ nghèo... tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Từ các mô hình này đã góp phần vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, vận động giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Trong thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Mặt trận phối hợp xây dựng các mô hình: “Tuyến đường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”; “Tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Khu dân cư phòng chống tội phạm”; “Đèn trước ngõ, mỏ trong nhà”, “Cổng rào an ninh”, “4+1”,“Tổ nhân dân tự quản”...

Những mô hình do Mặt trận phối hợp xây dựng đã góp phần tập hợp, đoàn kết sự đóng góp của nhiều người dân, góp phần cùng cả hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

 T.S