MTTQ Thành phố Hà Nội vận động đồng bào tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động

(Mặt trận) -Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố Hà Nội luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo đoàn kết, gắn bó thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thành phố Hà Nội hiện có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Baha’i, Đạo Hồi, Minh Sư Đạo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kitô (Mặc môn); là nơi đặt trụ sở của các tổ chức tôn giáo lớn như: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tòa tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội Thánh Tin Lành Việt Nam...

Hà Nội cũng là nơi có nhiều cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ đông. Phật giáo có 2.059 chùa, hơn 2.000 tăng, ni với gần 50 vạn tín đồ. Công giáo có hơn 200.000 tín đồ gồm 3 giáo phận Hà Nội, giáo phận Hưng Hóa, giáo phận Bắc Ninh; sinh hoạt tôn giáo ở 83 xứ, 398 họ đạo trên địa bàn thành phố; có 400 cơ sở thờ tự.

Tin Lành với khoảng 1.500 tín đồ. Cao Đài có khoảng gần 1.000 tín đồ, trong đó có Cao Đài Tây Ninh và Cao Đài Ban Chỉnh đạo. Đạo Baha’i có 3 hội đồng tinh thần địa phương, 1 điểm nhóm và 176 tín đồ. Minh sư đạo có khoảng 50 tín đồ. Ban Đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Jesu Kitô (Mặc môn) có 1 Ban đại diện gồm 5 người có 200 tín đồ. Đạo Islam gồm 5 người trong Ban quản trị và khoảng 150 tín đồ. Ngoài ra, còn có một số tổ chức tôn giáo mới...           

Xác định công tác dân tộc, tôn giáo và đoàn kết các dân tộc có vị trí quan trọng, chính vì vậy các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tôn giáo; tạo thuận lợi cho đồng bào thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, việc nắm và xử lý các tà đạo, đạo lạ được giải quyết kịp thời, đồng bộ, đạt hiệu quả rõ rệt, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, qua đó góp phần tạo dựng môi trường ổn định cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Tuyên truyền, vận động, tập hợp các chức sắc, tín đồ các tôn giáo, đồng bào có đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình phối hợp và ký giao ước thi đua phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thủ đô trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Ảnh minh họa-Nguồn: VGP/Thùy Linh)

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, tín đồ các nhà tu hành thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuyên truyền và phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, ngày lễ trọng của tôn giáo, đồng thời tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền, tập huấn các nghị quyết, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Trung ương, thành phố đến với chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên địa bàn, thông qua các khoá lễ, khoá an cư kiết hạ và các hoạt động nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của các vị chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo được nâng cao và chuyển biến tích cực; các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực tôn giáo, đều được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật, khẳng định sự đúng đắn về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức, cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc và đồng bào tín đồ các tôn giáo đã đồng hành cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sửa chữa, xây mới và trao quà cho trên 200 nhà Đại đoàn kết, tặng hàng nghìn suất quà nhân ngày lễ và Tết nguyên đán hằng năm.

Ngoài ra, các tổ chức, cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc và đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo xã hội, từ thiện, tặng quà, tặng xe lăn cho người già yếu, người khuyết tật, tặng quà cho các gia đình chính sách, trong 3 năm ước khoảng 1 tỷ đồng. Các tổ chức tôn giáo đã triển khai thực hiện trên 300 mô hình điểm, như: “Khu dân cư an toàn”, mô hình “Chùa tinh tiến, xanh sạch đẹp”, mô hình “Các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”...

Trong những năm qua, đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến kinh tế - xã hội đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia ủng hộ quỹ vaccine, ủng hộ công tác phòng, chống Covid - 19, thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, máy mọc, vật tư y tế trị giá trên 5 tỷ đồng, bên cạnh đó nhiều mô hình hỗ trợ các bệnh nhân điều trị, người phải cách ly y tế, các gia đình có người tử vong đã được nhân rộng trên tất cả các địa phương bị ảnh hưởng, giúp Nhân dân giảm bớt khó khăn; qua đây cũng thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với những hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố luôn đồng hành cùng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã có trên 1.000 mô hình của các tôn giáo tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc các cấp như:

Mô hình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp; mô hình xây dựng Chùa tinh tiến, Xứ họ Đạo an toàn; thông qua các mô hình đã lan toả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Phối hợp, hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Trong những năm qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn giáo và Nhân dân luôn tuân thủ nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo luôn được quán triệt, triển khai kịp thời, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở đó, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn luôn ổn định và có bước chuyển biến tích cực, việc thực hiện pháp luật về tôn giáo của các tổ chức tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến tôn giáo; không có vụ xử lý các vi phạm pháp luật của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, tín đồ tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo đã chủ động phối hợp với chính quyền triển khai công tác tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tài nguyên môi trường, Luật Di sản văn hoá, Luật Đất đai đến các cơ sở tôn giáo và đến các chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Trong đó, tập trung tuyên truyền các cơ sở tôn giáo không vi phạm về trật tự xây dựng, không lấn chiếm, tự ý xây dựng, sửa chữa khi chưa được cấp phép, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hoá.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai khảo sát hoạt động lễ hội truyền thống và giám sát công tác quản lý nhà nước các cơ sở thờ tự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo.

Thông qua giám sát, phát hiện những bất cập đề nghị chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo có được địa điểm hoạt động tôn giáo đúng pháp luật; đồng thời thông qua đây tiếp tục vận động các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng chính quyền trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một số giải pháp thực hiện công tác vận động các tôn giáo đồng hành cùng chính quyền các cấp trong tình hình mới

Một là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo.

Triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; về công tác tôn giáo.

Thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình, tập hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo.

Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng coi trọng việc tuyên truyền gắn với phát huy thế mạnh, mặt tích cực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Tôn vinh, biểu dương, nhân rộng gương người tốt việc tốt, tiêu biểu, điển hình trong các tập thể, cá nhân tôn giáo.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp phải thường xuyên chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo; phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đồng bào có đạo.

Tăng cường tập hợp các tổ chức tôn giáo tham gia làm thành viên của Mặt trận; tập hợp, thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành các đoàn thể nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp với số lượng và cơ cấu phù hợp.

Mặt trận Tổ quốc các cấp duy trì, đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong tôn giáo, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời, đẹp đạo” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động và tích cực phát huy hơn nữa các giá trị tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xã hội hóa y tế, giáo dục, dạy nghề, bảo trợ xã hội. Tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên và phối hợp với các cơ quan chính quyền trong công tác tôn giáo.

Định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, rút kinh nghiệm công tác hướng dẫn và thực hiện công tác tôn giáo của Mặt trận các cấp; phát hiện sớm những thiếu sót, bất cập trong thực hiện và trong cả cơ chế, chính sách để đề xuất điều chỉnh kịp thời.

Bốn là, tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo.

Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát đối với thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức và đảng viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Năm là, vận động các tôn giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trách nhiệm trong việc hướng dẫn chức sắc, nhà tu hành, tín đồ thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Đa dạng hóa các hình thức, tổ chức nhằm tập hợp rộng rãi đồng bào các tôn giáo, xúc tiến việc xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể nhân dân với các tổ chức tôn giáo. Phối hợp với các tổ chức tôn giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo đấu tranh kịp thời với các hành vi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tiêu cực, phản văn hóa, mê tín, hủ tục, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. 

Nguyễn Thị Kim Dung -  Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội