Mô hình giúp nông dân Khmer nâng cao thu nhập

(Mặt trận) - Nhiều năm nay, nông dân Khmer ở vùng nông thôn trong tỉnh Sóc Trăng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Mô hình trồng ớt ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đem lại thu nhập ổn định (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19). Ảnh: ĐA LIN 

Khi được hỗ trợ vốn vay ưa đãi của ngân hàng chính sách xã hội, anh Thạch Hoàng Đẹp ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên chọn mô hình trồng màu để cải thiện cuộc sống. Hiện nay, việc trồng màu đã giúp anh thoát nghèo, vươn lên khá giả. Anh Đẹp nói: “Lập gia đình ra riêng, tôi được cha mẹ cho 1,5 đất rẫy, Nhà nước hỗ trợ căn nhà và cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, có nhà ở, vợ chồng tôi tập trung trồng màu như: bắp cải, khổ qua, cải bông… có thu nhập quanh năm. Nhờ chăm sóc kỹ, chọn cây trồng phù hợp với thời vụ nên cây màu luôn trúng mùa, bán được giá, lợi nhuận khá cao. Hiện nay, cuộc sống khá lên, tôi cất lại nhà tường khang trang, thuê được 3,5 công đất trồng lúa và 1 công đất rẫy để trồng màu”.

Ông Trà Chươl, xã Trường Khánh, huyện Long Phú thì chọn mô hình nuôi bò thịt để làm giàu cho gia đình. Từ 2 con bò ban đầu, ông Chươl đã nuôi suốt 3 năm để nhân số lượng đàn bò. Từ năm thứ 4 trở lên, ông bán từ 2 con bò/năm để lo cho cuộc sống. Ông Chươl nói: “Khi nuôi bò, tôi đã tính toán rất kỹ, trong vòng 3 năm là số lượng bò đẻ nhiều, từ năm thứ 4 trở đi là số lượng bò bán liên tục. Bình quân một năm, tôi bán từ 2 đến 3 con bò, với giá từ 10 đến 20 triệu đồng/con để lo cuộc sống. Nhờ nuôi bò thịt mà cuộc sống tôi đã khá lên, cất được nhà ở khang trang, chuộc lại 5 công đất ruộng cầm cố”. Theo ông Chươl, nuôi bò thịt không khó, chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, có đủ cỏ, rơm cho bò ăn là đàn bò phát triển tốt. Hiện nay, ông Chươl còn nuôi bò Pháp, vì bò Pháp nuôi mau lớn, bán được giá cao. Đặc biệt, khi 8 người con lập gia đình, ông chia một đứa 2 con bò thịt để làm vốn. Nhờ vậy, hiện nay, 8 người con của ông đều có cuộc sống khá giả từ nuôi bò thịt.

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer với trên 30% dân số của tỉnh, Sóc Trăng đã đầu tư nhiều chính sách đặc thù dành cho hộ đồng bào dân tộc Khmer, nhất là chính sách đầu tư hỗ trợ vốn, giống để phát triển sản xuất. Bên cạnh việc trồng lúa chất lượng cao, mô hình nuôi bò sữa, bò thịt, nuôi gà, trồng màu… được xem là hiệu quả nhất, giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.