Mặt trận thực hiện giám sát việc xây dựng một số công trình của các huyện, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận là thực hiện giám sát việc thực hiện xây dựng một số công trình của các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Hình minh họa

Căn cứ hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, trong giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, các  hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số được quy định cụ thể như sau: Đối tượng được hỗ trợ đất ở đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và MN chưa có đất ở, hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Không hỗ trợ đất ở đối với các hộ đã nhận hỗ trợ đất ở từ các chương trình, chính sách trước đây nhưng đến nay đã chuyển nhượng, cho, tặng.

Căn cứ quỹ đất, hạn mức giao đất ở và khả năng ngân sách của từng địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét ban hành các quy định cụ thể làm cơ sở giao đất ở để làm nhà ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định, đảm bảo phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và phù hợp với pháp luật về đất đai. Việc giao đất ở phải gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được giao, tránh tình trạng các hộ được giao đất ở nhưng lại không có nhà ở.

Ở những nơi cần khai hoang, tạo mặt bằng, chính quyền địa phương có thể sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để san gạt, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để giao đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.

Ở các địa phương không có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Trường hợp các đối tượng thụ hưởng tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác định cụ thể và lập danh sách trình UBND cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và MN, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng DTTS và MN, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề, hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, nhưng không bố trí được đất sản xuất, thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Đối với hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất: Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất được, mà không cần phải thực hiện cải tạo đất, thì UBND cấp huyện căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. Các hộ này không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước và không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.

Về hỗ trợ chuyển đổi nghề: Các hộ thuộc đối tượng quy định được xem xét, hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác.

Thu Hương